Quang cảnh cuộc họp về tình hình tài chính, thương mại trên địa bàn TP.HCM 7 tháng đầu năm vào sáng 27-7 - Ảnh: N.BÌNH |
Đại diện Cục Thuế TP.HCM, trong cuộc họp về tình hình tài chính, thương mại trên địa bàn TP.HCM 7 tháng đầu năm vào sáng 27-7, cho biết trong tổng thu ngân sách 188.000 tỉ đồng 7 tháng đầu năm, riêng phần thu nội địa đạt 130.000 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách thuận lợi nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khả quan.
Đại diện Cục thuế cũng cho biết với đà thu thuế hiện nay, khả năng hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách 347.000 tỉ đồng là khả thi.
Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã nhấn mạnh các mục tiêu cải cách các thủ tục hành chính nhằm đưa mức tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của thành phố từ mức 8% thì những tháng còn lại ít nhất phải đạt mức 9,2%.
Muốn vậy, theo ông Tuyến, các cơ quan ban ngành phải hết sức tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh, trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, "nếu thấy bất cập hay phiền hà cho doanh nghiệp thì chủ động đề xuất cải tiến".
Ông Tuyến cho rằng tùy theo thẩm quyền các cơ quan ban ngành có thể xử lý "chứ không nên chờ xin ý kiến, mất cơ hội của doanh nghiệp".
"Cán bộ công chức cũng phải tự kiểm soát, chấn chỉnh thái độ phục vụ khi tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân. Không để những sự việc nhỏ trong hoạt động gây phiền hà không đáng có", ông Tuyến nói.
Ông Tuyến cũng cho biết bên cạnh duy trì các tổ tiếp nhận ở quận, huyện, TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, theo hướng một cửa tại các sở, ngành.
Điều này có nghĩa là cơ quan tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp và người dân cũng chính là cơ quan trả kết quả, "không để doanh nghiệp phải xách cặp đi từng đến sở ngành làm thủ tục, mất thời gian".
“Cải cách này vừa tăng hiệu quả dịch vụ công vừa hạn chế tình trạnh nhũng nhiễu, tiêu cực, hạn chế tiếp xúc giữa cán bộ và doanh nghiệp. Ngay cả trong vấn đề xử phạt của các ngành cũng tiến đến một cửa”, ông Tuyến cho biết.
Về tổ chức hàng hóa cho toàn TP.HCM, đặc biệt hàng hóa cho Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, đại diện UBND TP.HCM khẳng định chủ trương của thành phố sẽ tiếp tục chương trình bình ổn hàng hóa, đẩy mạnh giải tỏa, xử lý chợ tự phát, thay thế bằng bán hàng lưu động, phục vụ sinh viên, công nhân với giá ưu đãi.
Chợ tự phát không chỉ lấn chiếm lòng lề đường mà còn là nơi tiêu thụ thực phẩm bẩn, ảnh hưởng sức khỏe của người dân.
“Chương trình bình ổn hàng hóa của thành phố không chỉ kiểm soát về giá mà còn gắn với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Tuyến nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận