21/03/2019 14:39 GMT+7

TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... chuẩn bị gì để tăng lương công chức?

TIẾN LONG - HỮU KHÁ - LÊ DÂN - BẢO NGỌC ghi
TIẾN LONG - HỮU KHÁ - LÊ DÂN - BẢO NGỌC ghi

TTO - Cải cách tiền lương bắt đầu thực hiện vào năm 2021, sẽ thiết kế bảng lương theo chức vụ, chức danh và vị trí việc làm. Những địa phương có khả năng cân đối ngân sách như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... sẽ được tự quyết tiền lương cao hơn 0,8 lần.

* Bà Phan Thị Thắng (giám đốc Sở Tài chính TP.HCM): Mỗi năm TP.HCM đều trích một nguồn cho cải cách tiền lương

54727400_656402048127718_7661324944202006528_n

Hiện TP.HCM chưa được nghe về chủ trương cho những địa phương có khả năng cân đối ngân sách được tự quyết tiền lương cho công chức, viên chức cao hơn 0,8 lần mức quy định. 

Tuy nhiên, nếu thực hiện chính sách này cũng sẽ không ảnh hưởng đến chương trình chi thu nhập tăng thêm theo nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM tạo thêm động lực đối với cán bộ, công chức TP, bởi mỗi năm TP.HCM đều trích một nguồn cho cải cách tiền lương.

Những năm trước lộ trình tăng lương của Chính phủ ở mức thấp nên TP không sử dụng hết quỹ cải cách tiền lương. Qua nhiều năm tích lũy, TP để dành được một nguồn ngân sách từ phần tiền chưa sử dụng trong quỹ cải cách tiền lương hằng năm. 

Chính vì vậy, TP mới đề xuất cơ chế đặc thù để dùng nguồn này chi thu nhập tăng thêm cho lực lượng lao động TP, bù đắp hiệu quả lao động họ mang lại so với mặt bằng chung cả nước. Nguồn tiền này TP có thể cân đối được từ đây đến năm 2021. 

Trong trường hợp nếu có chính sách tăng tiền lương của Chính phủ thì TP vẫn sử dụng nguồn cải cách tiền lương như lâu nay.

* Ông Võ Ngọc Đồng (giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng): Tự chủ chi trả lương là cần thiết

ong-vo-ngoc-dong-20-3

Vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết cho phép Đà Nẵng cơ chế đặc biệt trong việc áp dụng chính sách nhân sự và tiền lương. Cần cho phép TP tự chủ và phân bổ về biên chế, con người làm việc trong bộ máy hành chính để phù hợp với mô hình quản lý đô thị, thế mạnh ở từng lĩnh vực. 

Ngoài ra, cơ chế trả tiền lương phải vượt trội hơn chứ không theo hệ số chung như hiện nay để thu hút nhân tài, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao đang có. Tuy nhiên nguồn tiền chi trả lương, chính sách vượt trội đó phù hợp nguồn ngân sách tự chủ của TP.

Hiện nay đã có đề án của trung ương cho phép Đà Nẵng được quyền quyết định bố trí ngân sách để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức theo hiệu quả công việc không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ; mức thu nhập của các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt do TP quyết định.

* Ông Nguyễn Quang Nghị (giám đốc Sở Tài chính TP Cần Thơ): Cần Thơ thực hiện việc khoán biên chế, kinh phí

nguyen-quang-nghi-15531525217172015467183

TP Cần Thơ không nằm trong đề án cải cách tiền lương như TP.HCM. Tuy nhiên, TP đang thực hiện khoán biên chế, kinh phí cho từng cơ quan, đơn vị.

Đơn cử, một số bệnh viện đã thực hiện tự chủ tài chính, biên chế. Họ thu viện phí thay vì phải nộp vào ngân sách thì họ được tự chủ chi, phần dôi dư ra được đầu tư vào máy móc, trang thiết bị cho bệnh viện. 

Các bệnh viện với nguồn thu ổn định thì sau năm 2020 mới có thể tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức. Còn cán bộ, công chức thuộc đơn vị hành chính nhà nước thì chưa. 

Đơn vị nào muốn tự chủ thì đăng ký sẽ được tính toán lại dự toán kinh phí giao cho đơn vị.

* Bà Nguyễn Thị Thanh Hải (phó phòng tài chính hành chính sự nghiệp - Sở Tài chính Hà Nội): Việc tăng lương trông chờ vào giảm chi cho đơn vị sự nghiệp

Nguồn để tăng lương những năm tới sẽ trông chờ nhiều vào quá trình thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp lâu nay hưởng lương ngân sách chuyển sang tự chủ. Khi đó, nguồn ngân sách tiết kiệm được khi không phải chi lương cho đơn vị sự nghiệp công lập sẽ là nguồn tăng lương chính. Gần như đây là nguồn duy nhất để có thể tăng lương công chức, viên chức trong thời gian tới.

Ví dụ năm 2017, Hà Nội có 70 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, đến năm 2018 tăng lên 119 đơn vị tự chủ. Các đơn vị này đang được ngân sách bảo đảm chi một phần, khi họ tự chủ không phải chi nữa sẽ tiết kiệm được. Thực tế cơ cấu trả lương hiện nay tại Hà Nội, khối sự nghiệp chiếm phần lớn, khối hành chính chỉ chiếm một phần.

Trong khối đơn vị sự nghiệp công lập thì lĩnh vực giáo dục chiếm tới 80%, y tế, văn hóa, các lĩnh vực khác chỉ 20%. Nhưng các trường học từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông với đội ngũ giáo viên đông đảo chiếm 80% chi cho khối sự nghiệp công lập. 

Trong khi đó khối này rất khó tự chủ vì có cấp học được miễn giảm học phí hoàn toàn, có cấp bị khống chế bởi mức thu theo quy định của trung ương, nên rất khó tự chủ.

Đầu năm 2021 giảm 10% biên chế để tăng lương

TTO - Một trong những nhiệm vụ cải cách tiền lương là cơ cấu ngân sách, cắt giảm chi không hợp lý để dành chi tiền lương. Trong quỹ lương lại phải tinh giản biên chế, giảm người đi mới tăng được lương.

TIẾN LONG - HỮU KHÁ - LÊ DÂN - BẢO NGỌC ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên