Cơ chế quản lý và thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững của TP.HCM giai đoạn 2016-2020 đổi mới theo phương pháp đa chiều. Theo đó, TP.HCM thực hiện lồng ghép chương trình, kế hoạch giảm nghèo vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội thường xuyên của các ngành, các cấp hàng năm và cả giai đoạn. Ngân sách thành phố và quận, huyện đầu tư cho các chính sách hỗ trợ giảm nghèo (theo tỷ lệ từng chiều nghèo bị thiếu hụt của người nghèo) được xem là một bộ phận hữu cơ trong ngân sách thường xuyên của các sở - ngành và quận, huyện hàng năm và cả giai đoạn.
Các chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo của TP.HCM trong giai đoạn 2016-2020 được xây dựng và thực hiện theo hướng giảm dần từ trợ cấp sang tác động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo an tâm tổ chức sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên giảm nghèo và làm ăn phát đạt.
Xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát chặt chẽ về tốc độ giảm nghèo; tỷ lệ tăng, giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo; mức độ tăng, giảm của từng chiều nghèo; tác động và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của từng địa phương, cơ sở theo định kỳ năm và cả giai đoạn 2016-2020 của Chương trình Giảm nghèo bền vững của TP.HCM.
Đối tượng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo là hộ nghèo và hộ cận nghèo thành phố. Hộ nghèo được chia thành 3 nhóm: hộ nghèo nhóm 1 là hộ dân có thu nhập bình quân từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống và có điểm thiếu hụt của 5 chiều nghèo (các dịch vụ xã hội cơ bản) từ 40 điểm trở lên; hộ nghèo nhóm 2 là hộ dân có thu nhập bình quân từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống và có điểm thiếu hụt của 5 chiều nghèo dưới 40 điểm; hộ nghèo nhóm 3 là hộ dân có thu nhập bình quân trên 21 triệu đồng/người/năm (không nghèo thu nhập) và có điểm thiếu hụt của 5 chiều nghèo từ 40 điểm trở lên.
Trong đó, hộ nghèo nhóm 3 được chia thành 2 nhóm: hộ nghèo nhóm 3a (có thu nhập bình quân trên 21 triệu đồng/người/năm đến 28 triệu đồng/người/năm) và hộ nghèo nhóm 3b (có thu nhập bình quân trên 28 triệu đồng/người/năm) để đảm bảo công bằng trong thực hiện các chính sách hỗ trợ so với hộ cận nghèo.
Hộ nghèo và hộ cận nghèo khi đã vượt mức chuẩn hộ cận nghèo thành phố được các địa phương lập danh sách riêng để tiếp tục theo dõi và được đảm bảo thực hiện các chính sách hỗ trợ theo diện hộ cận nghèo thành phố trong 12 tháng để đảm bảo ổn định cuộc sống, không tái nghèo.
Năm 2016, tổng nguồn vốn huy động, vận động để thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố dự tính khoảng 3.749 tỷ đồng; đến năm 2020, tổng nguồn vốn huy động khoảng 3.326 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016-2020, từ năm 2017 giảm bình quân mỗi năm 105,7 tỷ đồng (giảm từ nguồn chi không hoàn lại do số hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ giảm dần theo từng năm).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận