Ông Trần Tuấn Anh - Phó GĐ Sở Văn Hóa Thể Thao TP.HCM trả lời về các ca khúc bị cấm lưu hành tại buổi họp báo ở UBND TP.HCM sáng 27-4-2017 - Ảnh: Tự Trung |
Ông Trần Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao giải thích trước báo giới trong buổi họp báo thường kỳ tại UBND TP.HCM vào sáng 27-4.
Ý kiến này của ông Trần Tuấn Anh cũng giống như trả lời của ông Võ Trọng Nam .
Cũng theo Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, các ca khúc Cánh thiệp đầu xuân, Hoa trinh nữ, Con đường xưa em đi… khi phát hành, và đặc biệt là khi phát sóng trên truyền hình, nhận rất nhiều ý kiến phản hồi bày tỏ không đồng tình nên sở đã đề xuất Cục xem xét lại.
Ông Trần Tuấn Anh cho biết năm 2005, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng xin phát hành album Tình ca 50 có sử dụng ca khúc Phố đêm của tác giả Tâm Anh, trong đó có ca từ “tuy lính chiến xa nhà…” gây bức xúc cho xã hội.
Do đó, ca khúc này bị xem xét lại và cấm lưu hành. Thời gian sau, một số ca khúc có quyết định phổ biến nhưng Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã thu hồi quyết định vì có nội dung liên quan đến người lính cộng hòa như: Ai biểu anh làm thinh, Tôi đưa em sang sông, Tàu đêm năm cũ... Chia sẻ điều này để thấy là việc Cục cấp phép cho ca khúc rồi thu hồi không phải là lần đầu tiên.
Liên quan đến việc này, ông Võ Văn Hoan - chánh văn phòng UBND TP.HCM - nhìn nhận Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM đã không làm hết trách nhiệm với công luận và xã hội. “Đáng lý khi có sự việc như vậy sở phải thông tin, chứ không thể im im như vậy. Khi mình kiến nghị với Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Cục có quyết định tạm dừng phổ biến 5 ca khúc thì đã vội thông báo cho các nhà xuất bản, những người sản xuất chương trình để tạm ngưng. Nhưng khi Bộ đã có ý kiến rõ như vậy, người ta hỏi lại thì không trả lời”, ông Hoan nói thêm.
Ông cho rằng Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM phải rút kinh nghiệm khi chưa nhanh nhạy trong giải quyết sự vụ.
Lẽ ra, sở cần triển khai việc gửi văn bản ngay đến các doanh nghiệp kinh doanh giải trí khi Bộ Văn hóa, Cục Nghệ thuật Biểu diễn có ý kiến, quyết định thu hồi 5 ca khúc vừa bị tạm dừng lưu hành để các cá nhân, đơn vị kịp thời triển khai sản xuất, người dân cũng biết để thực thi đúng quy định.
Trước đó, liên quan đến sự chậm trễ của Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM trong việc trả lời trước công luận về kiến nghị xem xét 10 ca khúc, Tuổi Trẻ đã có hai bài viết: Để không còn tùy tiện cấm đoán ca khúc xưa (ngày 18-4) và Ca khúc trước 1975 và sự im lặng khó hiểu của Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM (ngày 25-4).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận