15/12/2004 13:17 GMT+7

TP.HCM: Cơ sở vật chất cho giáo dục còn thiếu thốn

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Theo Sài Gòn Giải Phóng

TP.HCM hiện còn nhiều ngôi trường ọp ẹp, cơ sở vật chất không đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh, đặc biệt là ở khu vực ngoại thành, vùng ven. Giám đốc Sở GD-ĐT, ông Huỳnh Công Minh đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.

6NvGS2oV.jpgPhóng to

Mỗi ngày, giáo viên phải đi xin từng thùng nước cho các em rửa mặt. Ảnh chụp ở điểm lẻ thuộc Trường Mẫu giáo Bông Sen, xã Tân Phú Trung huyện Củ Chi TP.HCM

TP.HCM hiện còn nhiều ngôi trường ọp ẹp, cơ sở vật chất không đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh, đặc biệt là ở khu vực ngoại thành, vùng ven. Giám đốc Sở GD-ĐT, ông Huỳnh Công Minh đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.

* Ông có thể cho biết hiện trạng CSVC trường lớp của thành phố hiện nay?

-Ông HUỲNH CÔNG MINH: Từ năm 1999 (năm Giáo dục) đến nay, thành phố đã dành 20% trong tổng số vốn xây dựng cơ bản để xây dựng trường lớp. Nhìn chung, ở bậc tiểu học đã đủ chỗ học cho các em, không còn tình trạng trường lớp tranh tre hay ca 3, ca 4. Số trường tiểu học thực hiện 2 buổi/ngày đã đạt hơn 70%. Về cơ bản, tình hình cơ sở vật chất giáo dục ở các quận, huyện khá tốt.

* Nhưng thực tế vẫn còn một số trường nghèo, điều kiện học tập và giảng dạy rất khó khăn, gây bức xúc cho nhà trường và PHHS...

-Đúng là ở một số địa phương vẫn còn những ngôi trường nhỏ hẹp, mặc dù điều kiện về chuẩn chất vẫn đảm bảo được yêu cầu dạy và học.

* Nếu nói về công bằng trong giáo dục thì cơ sở vật chất tốt mới có thể đưa chương trình tăng cường ngoại ngữ, tin học… vào giảng dạy. Thế nhưng, trường nghèo cứ nghèo mãi…

-Sự chưa đồng đều về cơ sở vật chất trường lớp là một thực tế có tính lịch sử khách quan. Quan niệm về công bằng trong giáo dục là quyền lợi học tập của mọi con em nhân dân phải được đảm bảo, còn việc trường này hẹp hay rộng hơn trường kia là một thực tế không thể không chấp nhận. Xây dựng những trường có điều kiện ngang bằng nhau, tránh hiện tượng “chạy trường” là ý tưởng mang tính ước muốn nhiều hơn thực tế.

Yêu cầu của ngành muốn mọi học sinh đều học trong phòng học thoáng mát, đảm bảo ánh sáng, sức khỏe, học tập tốt. Nhưng đòi hỏi trường nào cũng có những nét đẹp giống nhau là yêu cầu không tưởng. Với những trường nhỏ hẹp, xuống cấp mà báo chí đã nêu, các quận, huyện phải tiếp tục phấn đấu để mở rộng nâng cấp hoặc xây mới. Đây là nhiệm vụ nhằm thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp theo Quyết định 02 của Chủ tịch UBND TPHCM.

* Bao giờ ngành giáo dục mới hoàn thành việc quy hoạch này?

- Trước khi trình quy hoạch chung của toàn thành phố đến năm 2010 – 2020, Sở Giáo dục – Đào tạo đã phối hợp với Viện Quy hoạch thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về quy hoạch mạng lưới trường lớp và đã được thành phố phê duyệt. Từ Quyết định 02 của UBND TP, hiện nay Sở đang phối hợp với các quận, huyện để xây dựng quy hoạch chi tiết. Yêu cầu đặt ra là phải xác định từng thửa đất mang giá trị pháp lý để có thể hình thành những điều kiện về mặt bằng xây trường lớp, đảm bảo kế hoạch học 2 buổi/ngày theo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội quốc gia vào năm 2010.

Thành phố đã cấp kinh phí để các quận, huyện tiến hành làm quy hoạch. Sở đang đến từng quận, huyện để xem xét góp ý quy hoạch chi tiết. Sở đang chuẩn bị hội nghị nhân điển hình, nhằm hướng dẫn, bồi dưỡng làm công tác quy hoạch, đồng thời thúc đẩy tiến độ quy hoạch mạng lưới trường lớp ở các quận, huyện còn lại để làm nhanh hơn.

* Nhiều người cho rằng quy hoạch chỉ là… trên giấy, còn thực hiện được hay không phụ thuộc rất nhiều vào thực tế?

- Điều đó phụ thuộc vào chất lượng của quy hoạch. Khi trình quy hoạch, nếu các quận, huyện chỉ nêu diện tích nhưng không chỉ ra được địa chỉ xây trường thì xem như quy hoạch không đạt yêu cầu, phải làm lại. Hoặc nếu quy hoạch vướng những công trình công cộng thì cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp.

* Đã có bao nhiêu quy hoạch được duyệt? Và đến bao giờ thì các quận huyện mới trình xong quy hoạch của mình?

-Tiến độ quy hoạch như hiện nay là quá chậm. Tính đến nay, Quyết định 02 của TP ra đời đã 2 năm nhưng chỉ có một số quận, huyện hoàn thành, đặc biệt là Bình Thạnh và Thủ Đức. Kế hoạch của Sở là trong tháng 12 này phải đi hết các quận, huyện tổng kiểm tra và đề nghị TP duyệt quy hoạch.

* Từ khi quy hoạch đến khi có được ngôi trường, phải mất bao lâu?

-Sau năm 1999, TP thiết lập cơ chế xây dựng trường lớp, đầu tư 20% trong tổng ngân sách xây dựng cơ bản của thành phố đi đôi với việc hình thành cơ chế phân cấp quản lý về xây dựng. Ban quản lý dự án ở các quận, huyện được phân cấp để quản lý xây dựng trường. Nơi nào làm nhanh thì nơi đó có nhiều ngôi trường mới phục vụ việc học tập cho con em nhân dân. Chính từ sự phân cấp này nên cơ chế “xin cho” không còn, nơi nào tiến hành quy hoạch sớm, làm thiết kế nhanh là xây được nhiều trường học, không phân biệt quận “nghèo” hay “giàu”.

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên