Ông Lê Huy Bá - Ảnh: Quốc Thanh |
Nhiều năm trước chúng ta đã sai lầm, hoặc thậm chí rất sai lầm trong chiến lược quy hoạch và thực hiện quy hoạch thoát nước đô thị. Quy hoạch sai cơ bản và mang tính manh mún, chưa hệ thống, bao quát.
Bởi lẽ chúng ta chưa đặt TP.HCM vào vị thế là một đô thị bán ngập triều, đô thị nằm trên vùng kênh rạch chằng chịt, đất chưa có nền ổn định, lại có tầng hữu cơ dày, bùn nhão, mỗi ngày hai lần nước triều ra vào, chênh lệch đỉnh triều và chân triều có khi 2,5-3m.
Vì vậy trong quy hoạch, thiết kế kênh mương, cống thoát nước phải luôn tính phần nước lưu trong đó. Cống thoát nước hay mương thoát nước phải lớn gấp rưỡi đến hai lần bình thường. Vì hệ thống cống, mương, kênh này mang hai chức năng: vừa thoát nước, vừa trữ nước khi nước mặt quá dư thừa khi mưa lớn. Còn việc san lấp, lấn chiếm kênh, rạch, sông ngòi thì tất yếu là thoát ngập rất khó khăn.
Nước ngập sâu cơn mưa chiều 15-9 trên đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân) - Ảnh: Thanh Tùng |
Trong quá khứ, chúng ta cũng đã rất sai lầm cho quy hoạch và thi công các cống hộp. Đó là một thất sách. Vì tiết diện dòng chảy mặt cũng như dòng thoát ngập của cống hộp lớn nhất cũng 2x2m = 4m2; còn kênh hở, khi mưa lớn nước sẽ tràn bờ, xuống kênh, giải quyết nhanh ngập nhà, đường. Cống hộp không đảm đương được thoát nước nhanh vì nó nhận nước qua những cống, bộng nhỏ từ trên xuống.
Trong khi đó, chúng ta đã có ý tưởng rất khoa học là phải quy hoạch cống thoát nước thải riêng và nước mưa riêng. Nhưng chúng ta vẫn chưa làm được. Nên chăng, dịp này cần thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2018.
Trong phương án quy hoạch luôn phải kết hợp quy hoạch giải ngập với quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông và quy hoạch tài nguyên - môi trường. Khi quy hoạch một đơn vị dân cư mới hay khu công nghiệp, khu du lịch mới, luôn luôn đặt vấn đề thoát ngập, kết hợp xử lý và xả nước thải. Không đấu nối làm tăng chiều dài đường ống, làm thoát ngập khó hơn.
Tôi đồng tình quan điểm, giải pháp liên kết giữa các địa phương, vì nếu giải quyết quy hoạch chống ngập và giải ngập không thể theo từng địa phương, tỉnh, quận, huyện, phường riêng rẽ, mà muốn thành công phải giải quyết theo lưu vực, mà lưu vực thì đâu có phụ thuộc vào địa giới hành chính. Đây là điều kiện hết sức quan trọng cho giải ngập thành công.
Tôi cũng rất đồng tình với giải pháp hoàn thành quy hoạch 1/2.000, xác định hành lang bảo vệ sông rạch, tăng diện tích vùng đệm, giải tỏa lấn chiếm kênh rạch, kiên quyết khôi phục các kênh rạch bị lấn chiếm, bị san lấp trái phép.
Theo kết quả những nghiên cứu của chúng tôi: 95% kênh rạch, sông trên TP bị xâm hại; 15-17% diện tích mặt kênh rạch, sông bị bồi lấp lấn chiếm làm của riêng. Tuy nhiên, đây mới là quyết tâm, mới là chủ trương đúng nhưng còn giải pháp nào để đạt được mục tiêu này thì chưa có.
Nhìn chung, cách tiếp cận giải ngập của TP.HCM phải xét trên cơ sở đô thị TP.HCM là đô thị bán ngập triều, với đầy đủ các tham số cơ bản: nền đất yếu, giàu hữu cơ, địa mạo nhiều lòng chảo, lượng mưa, tần suất mưa theo mùa và mưa đô thị, khi không có El Nino hay khi có La Nina có khác nhau phương án giải ngập.
(GS.TSKH LÊ HUY BÁ (Viện khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận