Ông Nguyễn Hữu Tín phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: H.Điệp |
Theo báo cáo của UBND TP, trong năm qua số lượng đơn thư tố cáo trên địa bàn TP là 914 đơn, trong đó chỉ có 8% là tố cáo đúng, 70% là tố cáo sai, số còn lại là có đúng có sai.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Tín, phó chủ tịch UBND TP.HCM, thừa nhận công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo tại TP còn tồn tại hai vấn đề lớn, một là vấn đề nhận thức của cơ quan chức năng, hai là chính sách pháp luật.
“Cùng một vụ việc nhưng nhận thức mỗi nơi mỗi khác. Đó là chưa kể đến việc nể nang, quan hệ giữa người giải quyết với người khiếu nại”, ông Tín nói.
Về chính sách pháp luật, theo ông Tín, những vụ việc kéo dài và tồn đọng chủ yếu tập trung ở chính sách đất đai. Chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng khiến việc khiếu nại kéo dài và không có điểm dừng. Việc công nhận quyền sử dụng đất còn nhiều ý kiến khác nhau, mà vấn đề này trực tiếp liên quan đến quyền lợi của người dân.
Ông Nguyễn Kim Hồng, phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, trưởng đoàn công tác, cho rằng trình độ và thái độ của cán bộ, công chức trong giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo cần phải chấn chỉnh.
Theo ông Hồng, hiện nay các cơ quan nhận và chuyển đơn làm tăng thêm việc khiếu nại. Bởi vậy, cần nghiên cứu kỹ đơn khiếu nại của người dân rồi đánh giá đúng sai, đề xuất, rồi gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Dẫn chứng về việc giải quyết đơn thư được gửi đến Ủy ban Pháp luật, ông Hồng cho biết mỗi vụ việc đều được phân tích kỹ sai đúng, thậm chí có vụ việc phải nghiên cứu cả ngày rồi mới đưa ra ý kiến nhận xét, đề xuất giải quyết và gửi đi. Sau đó việc xử lý của cơ quan chức năng tiếp tục được giám sát nên hiệu quả giải quyết khiếu nại tố cáo cao.
“Hiện nay, việc nhận và chuyển đơn đi không mang lại nhiều kết quả, còn người dân thì có tâm lý gửi đơn “cầu may” gây ra tình trạng đơn thư trùng lặp được gửi đến nhiều cơ quan yêu cầu giải quyết cùng một nội dung”, ông Hồng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận