29/07/2015 08:00 GMT+7

TP.HCM bàn thu phí xe máy

V.SỰ - Q.KHẢI - M.HƯƠNG - M.HOA
V.SỰ - Q.KHẢI - M.HƯƠNG - M.HOA

TT - “Cần vận động người dân để thu một cách hợp lý, công khai, không để phát sinh tiêu cực. Trong tình thế này, phải bàn giải pháp nào để thu tốt và sử dụng cho có hiệu quả”

Đại biểu Lâm Thiếu Quân phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận tại tổ của kỳ họp thứ 18 HĐND TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Đại biểu Lâm Thiếu Quân phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận tại tổ của kỳ họp thứ 18 HĐND TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Bbà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch HĐND TP.HCM, nói như vậy khi bàn về vấn đề thu phí xe máy tại kỳ họp HĐND TP.HCM ngày 28-7.

Đây cũng là vấn đề mà tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm có những phát biểu thẳng thắn tại nghị trường, tranh luận bên hành lang với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, bày tỏ quan điểm cần bỏ thu phí đường bộ với xe máy vì không hợp lý.

HĐND không có quyền

Dành gần 30 phút cho hai lần phát biểu về vấn đề thu phí xe máy, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng thông tin việc bên hành lang Quốc hội bà có trao đổi thẳng thắn với Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Tuy nhiên, đó chỉ là tranh luận về vấn đề thẩm quyền thu phí xe máy, HĐND thì thực tế không có quyền thu hay không thu loại phí này.

Bà Tâm khẳng định nếu HĐND TP có thẩm quyền thì HĐND sẽ đưa ra quyết định là không thu loại phí này. Bà cũng thừa nhận: “Dù rất băn khoăn, dù còn nhiều câu hỏi chưa thỏa đáng nhưng HĐND vẫn ra nghị quyết chấp hành nghị định của Chính phủ vì đây là chấp hành pháp luật”.

Sau khi đưa ra nhiều tình huống về việc thu hay không thu phí xe máy, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng nên bàn cách thu và sử dụng có hiệu quả là điều cần nhất lúc này. “Tôi có niềm tin về ý thức chấp hành pháp luật của người dân TP.HCM” - bà Tâm nói.

Tiếp nối ý kiến của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, đại biểu Nguyễn Văn Đua - nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - cho rằng mỗi loại phí đều có tác dụng, được luật minh định. Theo ông Nguyễn Văn Đua, thu phí xe máy là một cách để huy động sức dân: 

“Với tư cách cá nhân, tôi cho là phải động viên dân. Tôi tiếp xúc cử tri quận 4, có ý kiến nói GDP nhiều tỉnh thấp hơn TP.HCM nhưng người ta thu phí xe máy rồi.

Do đó, tôi đề nghị UBND TP phải suy nghĩ làm sao hành thu cho tốt, HĐND giám sát việc thu và sử dụng phí xe máy đúng mục đích, nhanh gọn”.

Tiến thoái lưỡng nan

Trao đổi lại vấn đề thu phí xe máy, đại biểu Trần Trọng Dũng nói tất cả cử tri quận 8 mà ông tiếp xúc đều mong mỏi bỏ thu phí xe máy. “50.000, 100.000 đồng với dân nghèo là lớn lắm” - ông Dũng nói.

Ông Dũng đề nghị cần phát phiếu thăm dò ngay tại kỳ họp này về việc nên hay không nên thu phí xe máy hoặc thu theo phương án, trình tự nào.

Trong khi đó, đại biểu Lâm Thiếu Quân cho rằng HĐND TP đang ở vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. “Nếu không thu phí xe máy thì không đúng thẩm quyền. Nhưng thu thì bước vào vết xe đổ của nhiều tỉnh thành khác” - đại biểu Quân nói.

Ông Quân nói nhiều tỉnh thành không thu phí xe máy mà TP.HCM thu một cách “mạnh mẽ” thì sẽ gặp phản ứng từ người dân. Đại biểu Lâm Thiếu Quân đề xuất nếu thu thì cần có phần mềm quản lý việc thu và có biện pháp chế tài.

“Còn nếu không làm được vậy, chắc sang năm hết nhiệm kỳ, có lẽ không đại biểu HĐND nào được bầu lại” - đại biểu Lâm Thiếu Quân dí dỏm.

Từ góc nhìn thực tế, bà Đặng Thị Hồng Liên - chủ tịch UBND quận 9 - cho biết quận 9 là đơn vị đầu tiên của TP.HCM thu phí xe máy nên được “phong” thêm danh hiệu “cầm đèn chạy trước ôtô”.

Qua thực tế triển khai, toàn quận 9 có khoảng 84.000 xe cần kê khai nhưng chỉ có 43.700 xe nộp bản kê khai.

“Ban đầu chúng tôi tổ chức thu tại phường, sau đó có ý kiến nói thu ở phường khó khăn nên chúng tôi lập tổ công tác thu tại khu phố, thu vào ngày nghỉ. Trong vòng gần một tháng thu được khoảng 1,2 tỉ đồng của 13.000 xe, chiếm khoảng 17% số phương tiện trên địa bàn” - bà Liên nói

Theo bà Liên, hiện tại thì quận 9 đã tạm ngừng thu để đợi ý kiến chỉ đạo của TP. “Vừa rồi HĐND các tỉnh khác đã có ý kiến tạm dừng thu. Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng có kiến nghị với Chính phủ dừng thu từ đầu năm 2016.

Từ thực tế triển khai ở quận 9, tôi cho rằng nếu bây giờ chúng ta quay trở lại thu thì rất khó. Thu phí mà có người đóng, người không đóng thì không công bằng. Tôi đề nghị không thu trong năm 2015. Quận 9 xin phép được hoàn trả lại cho người dân 1,2 tỉ đồng đã thu” - bà Liên dứt khoát.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Lâm Đình Chiến cho rằng HĐND cần có ý kiến chính thức về chuyện thu phí xe máy.

“Cả nước đề nghị dừng mà UBND TP.HCM lại đề nghị thu. Việc thu thêm phí là một gánh nặng cho người dân, cái đó là chắc chắn rồi. Bản thân tôi cũng muốn ngưng, vì nguồn thu phí đó không phải là nguồn thu chủ yếu để làm được chuyện duy tu. Giờ dân kêu quá nhiều rồi, không nên thu nữa” - ông Chiến thẳng thắn.

“Sao lại đổ thất thoát nước lên đầu dân?”

Vấn đề nước sạch cũng được các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận. Đại biểu Lâm Đình Chiến bày tỏ lo ngại về việc hoàn thành chỉ tiêu đến cuối năm nay có 100% hộ dân TP sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh.

“Giờ là tháng 7 rồi mà tình hình như báo cáo thì đến cuối năm 2015 có hoàn thành được không, tôi thấy không yên tâm. Theo tôi, nên có giải pháp rất cụ thể, công khai thông tin trên từng địa bàn, trách nhiệm thuộc bên cấp nước hay địa phương... Chứ ghi chung chung cuối năm hoàn thành 100%, không ai mà tin nổi, không cách nào giám sát được”, ông Chiến nói.

Đại biểu Chiến cũng nêu bức xúc của cử tri về tỉ lệ thất thoát nước sạch hơn 30% như hiện nay là quá cao, người dân phải gánh hết phần thất thoát này là không công bằng, sòng phẳng. Ông đề nghị đơn vị cấp nước phải chịu một nửa thất thoát.

Đồng tình, đại biểu Nguyễn Tấn Tài cho rằng nói như đại biểu Chiến là còn nhẹ, chứ thực tế người dân phản ứng rất gay gắt, nói sao đổ 30% thất thoát lên đầu người dân. Nhiều cử tri còn yêu cầu thanh tra toàn diện việc cấp nước, quản lý cấp nước ở TP.

Trả lời vấn đề này, đại diện Sawaco cho biết tỉ lệ thất thoát nước như vậy là còn thấp hơn mức được Thủ tướng phê duyệt cho TP tới năm 2015 là 32%.

Báo cáo về kết quả giám sát việc triển khai, thực hiện chỉ tiêu phấn đấu 100% hộ dân được sử dụng nước sạch hoặc nước hợp vệ sinh, bà Trương Thị Ánh, phó chủ tịch HĐND TP, cho rằng còn nhiều vấn đề tồn tại như tình trạng nhiều hộ dân ở chung cư, vùng xa phải sử dụng nước giá cao hơn quy định.

Cụ thể tại khu dân cư Trung Sơn (huyện Bình Chánh), người dân phải trả 15.744 đồng/m3, nhiều khu dân cư, chung cư khác đã được lắp đặt đồng hồ tổng nhưng do đường ống nội bộ xuống cấp nên các hộ dân chưa được sử dụng nước sạch.

Người dân sống gần các bãi rác như Đa Phước, huyện Bình Chánh lại chưa được cấp nước sạch. Hiện có hơn 60.566 trường hợp được gắn đồng hồ nước nhưng không dùng nước sạch, gần 96.000 trường hợp xài từ 1 - 4 m3/tháng.

Nhiều hộ dân sử dụng nước giếng tự khoan nhưng không quan tâm đến chất lượng (gần 1.400 mẫu nước được xét nghiệm đa số không đạt chất lượng - PV).

Lệ phí cấp mới đăng ký ôtô tăng hơn 5 lần

Tại kỳ họp, ông Hứa Ngọc Thuận - phó chủ tịch UBND TP - đã trình HĐND xem xét thông qua tờ trình phương án thu phí, lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm biển số phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn TP.

Theo ông Thuận, từ trước nay mức thu đối với lệ phí cấp mới lần đầu chưa được HĐND TP ban hành, đang thực hiện theo hướng dẫn thông tư của Bộ Tài chính. UBND thấy việc cần thiết ban hành mức thu mới.

Báo cáo thẩm tra về tờ trình trên, ông Phạm Văn Đông - trưởng Ban kinh tế ngân sách TP - cho biết cơ bản đồng tình mức thu của tờ trình.

Theo đó, mức thu của các loại xe tăng không đáng kể, chỉ có ôtô con dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) trở xuống không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách tăng từ 2 triệu đồng lên 11 triệu đồng.

V.SỰ - Q.KHẢI - M.HƯƠNG - M.HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên