Thượng tá Ngô Xuân Thọ - phó trưởng Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM - trình bày tham luận tại hội nghị - Ảnh: THẢO LÊ
Chiều 19-3, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 12 chương trình, đề án, kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn TP.HCM.
Báo cáo tham luận tại hội nghị, thượng tá Ngô Xuân Thọ - phó trưởng Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM - cho biết trong giai đoạn 2012 - 2020, Công an TP ghi nhận 790 vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em. Chủ yếu ở các tội danh hiếp dâm trẻ em với 232 vụ; có 372 vụ giao cấu với trẻ em và 128 vụ dâm ô trẻ em.
Theo ông Thọ, huyện Củ Chi là nơi xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em nhất với 117 vụ, tiếp đến là quận 9 với 109 vụ, huyện Bình Chánh 98 vụ.
Về mối quan hệ giữa đối tượng và bị hại, có 3% số vụ việc là quan hệ họ hàng, 44% có quan hệ hàng xóm, quen biết với gia đình bị hại và gần 42% có quan hệ tình cảm nam nữ. Các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em thường là lao động phổ thông có trình độ dân trí thấp, chiếm hơn 74%. Trong khi đó, cũng có 2% là đối tượng có nghề nghiệp, trình độ cao.
Theo thượng tá Ngô Xuân Thọ, một số vụ xâm hại tình dục trẻ em thì người thực hiện hành vi xâm hại lại chính là người thân quen với gia đình, do đó không ai đứng ra tố giác.
Bên cạnh đó, hầu hết các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em đều không phải tội phạm quả tang, không có người làm chứng, bị hại bị hạn chế về khả năng nhận thức, vụ việc xảy ra lâu… nên không thể thu thập được các chứng cứ vật chất.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị - Ảnh: THẢO LÊ
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết TP.HCM là địa phương tiên phong về vấn đề trẻ em, đã mạnh dạn ban hành quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục. Nhờ đó đã giúp chính quyền địa phương, các ngành, các cấp có phản ứng tích cực và chủ động giải quyết kịp thời các hành vi vi phạm quyền trẻ em.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng những vụ việc xâm phạm trẻ em diễn ra tại các hộ gia đình, trẻ em bị những người trực tiếp nuôi dưỡng xâm hại là vấn đề rất đau xót. Người dân TP cần quyết liệt lên án, tuyên truyền để giảm nguy cơ xâm hại trẻ em. Làm sao để mọi người nhận thức hành động vì trẻ em chính là hành động cho chính sự phát triển của gia đình mình.
"Trẻ em bị xâm phạm, trái tim bị tổn thương thì có dán cũng đã rách, khả năng phục hồi rất chậm. Một trẻ em bị xâm hại là nỗi đau của cả TP. Chừng nào TP không còn trẻ em bị xâm hại thì mới phát triển và văn minh. Dứt khoát không để trẻ mất đi thời thơ ấu", ông Hoan nhấn mạnh.
Ông Hoan đề nghị cần bổ sung tiêu chí về trẻ em hạnh phúc khi xây dựng tiêu chí gia đình hạnh phúc. Các cấp, các ngành cần nghiên cứu quy trình để các địa phương áp dụng xử lý kịp thời khi xảy ra vấn đề xâm hại trẻ em.
"Chúng ta cũng nên chọn một số vụ án điểm, cách tuyên truyền cũng phải khôn khéo, không khai thác sâu vào trẻ em bị xâm hại nhưng phải nêu thẳng tên người vi phạm. Với những cha mẹ bất nhân thì làm sao phải tước đi quyền làm cha làm mẹ của họ", ông Hoan nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận