
Chi cục Thống kê TP.HCM chỉ ra dự báo của các chuyên gia cho rằng xu hướng kinh tế TP.HCM có thể ngược so với mọi năm - Ảnh: TTO
Chiều 2-4, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội quý 1 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 2.
Quý 1-2025, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 457.600 tỉ đồng, ước tăng 7,5% so với cùng kỳ, đây là tăng trưởng cao nhất của quý 1 từ năm 2020 đến nay.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 14,2% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước tăng 5% so với năm 2024. Tình hình xuất khẩu có xu hướng hồi phục, nhiều doanh nghiệp nhận đủ đơn hàng đến hết quý 2-2025. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 6,8% so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp vẫn duy trì mức tăng ổn định cho thấy sự phục hồi và phát triển bền vững của công nghiệp TP.HCM. Hầu hết doanh nghiệp các ngành công nghiệp trọng yếu đã có đơn hàng đến quý 2.
Đến nay, TP.HCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là 67.400 tỉ đồng. Trong đó vốn trung ương là 3.200 tỉ đồng, vốn địa phương là 64.000 tỉ đồng.
Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước khu vực 2, đến 31-3 TP.HCM đã giải ngân 4.550 tỉ đồng, đạt 5,4% kế hoạch.
Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 151.000 tỉ đồng, đạt 29% dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương là 15.700 tỉ đồng, đạt 9% dự toán.
Đánh giá về kết quả tăng trưởng quý 1-2025, ông Nguyễn Khắc Hoàng - chi cục trưởng Chi cục Thống kê - cho rằng với tăng trưởng 7,5% trong quý 1 là tốt hơn so với các địa phương. Trong đó tăng trưởng này có tác động lớn từ xây dựng và dịch vụ.
Bên cạnh đó, thời gian qua Chi cục Thống kê đã khảo sát các doanh nghiệp về xu hướng phát triển trong thời gian tới, 42% đánh giá tình hình quý 2 sẽ khả quan hơn quý 1.
Tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng bên cạnh những thuận lợi thì các tổ chức quốc tế và chuyên gia kinh tế dự báo với các chính sách thuế của Mỹ có khả năng làm gia tăng căng thẳng và gián đoạn thương mại, ảnh hưởng đến các quốc gia có độ mở lớn như Việt Nam và TP.HCM.
Theo ông Hoàng nhận định, xu hướng kinh tế năm nay có thể ngược so với các năm, tức là 6 tháng cuối năm sẽ khó khăn hơn 6 tháng đầu năm.
Ngoài ra môi trường kinh doanh của TP.HCM chưa có chuyển biến tích cực. Hiện nay, tỉ lệ doanh nghiệp gia nhập thị trường đang thấp hơn doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Quý 1-2025, 1 doanh nghiệp gia nhập thì trường thì có 1,4 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Các năm 2021-2022 tỉ lệ này là 1-0,6, 1-0,9 và năm 2024 là tỉ lệ 1-1.
Bên cạnh đó, nhập khẩu hàng hóa tăng 15% nhưng xuất khẩu chỉ tăng 5%, cho thấy doanh nghiệp cũng đang khó khăn từ thị trường nước ngoài.
"Quý 1 TP.HCM có bước chạy đà tốt, nhưng để đạt mục tiêu tăng trưởng 8,5% như Chính phủ giao và quyết tâm 10% như TP.HCM đặt ra là rất thách thức. Cho nên trong quý 2 chúng ta phải tăng tốc để bù đắp sự suy giảm của quý 3 và quý 4", ông Hoàng nói.
Còn theo TS Trương Minh Huy Vũ - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, tăng trưởng 7,5% quý 1-2025 là tỉ lệ cao nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Để đạt mục tiêu tăng trưởng, quý 1 phải đạt 8,4-8,5% và kéo dài đến cuối năm mới đạt 8,5%.
Ông Vũ cho rằng để tăng trưởng nhanh chóng trong ngắn hạn thì phải kích cầu, dồn lực đầu tư. Tuy nhiên giải ngân vốn đầu tư mới chỉ đạt 5,4% là chưa đạt mục tiêu 7% đề ra. Bên cạnh đó cần tháo gỡ, thúc đẩy đầu tư tư nhân.
Cũng theo ông Vũ, tăng trưởng của TP.HCM còn gắn chặt chẽ với vùng Đông Nam Bộ. Nếu tăng trưởng xung quanh TP.HCM chưa tốt, chắc chắn ảnh hưởng đến đầu tư tư nhân.
Về dài hạn, ông Vũ cho rằng phát triển doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo là giải pháp then chốt. Tuy nhiên số liệu doanh nghiệp phá sản trong quý 1 cho thấy nhiều vấn đề đáng lo ngại, cần nghiên cứu sâu hơn về lý do doanh nghiệp ngừng hoạt động, bởi đây là lực lượng giúp TP tăng trưởng trong năm nay và các năm sau.
Bên cạnh đó, Trung ương đã khoán tăng trưởng cho TP.HCM, TP cần khoán tăng trưởng cho các sở ngành, địa phương và cả các doanh nghiệp.
TP Thủ Đức - Dĩ An, Thuận An - Biên Hòa tạo thành cụm đô thị rất phát triển
Cũng tại hội nghị này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Trương Minh Huy Vũ đã nêu ra các cực tăng trưởng thúc đẩy kinh tế của TP.HCM.
Ông Vũ cho rằng về địa giới hành chính thì TP Thủ Đức cùng các cực tăng trưởng Dĩ An, Thuận An (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai) tạo thành cụm đô thị rất phát triển.
Hiện TP Thủ Đức đã được phê duyệt quy hoạch, cụm tăng trưởng này cần đầu tư mạnh.
Bên cạnh đó, phía Nam có khu quận 7, huyện Bình Chánh cũng là một cực tăng trưởng, gắn với đường thủy, cảng logistics, sông Soài Rạp...
Ông Vũ còn cho rằng cần xem đây là hai cực tăng trưởng quan trọng và phải có các dự án liên kết hai cụm đô thị này, các số liệu đã chứng minh rất rõ về hai cực tăng trưởng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận