Nhiều điểm dịch H1N1 ở TP.HCM, có bất thường?
Tối 22-3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho hay TP vừa phát hiện ổ dịch cúm A (H1N1) tại Trường tiểu học Võ Trường Toản, quận 10.
Trong hai ngày, từ 15 đến 16-3 số học sinh nghỉ học của trường này đã tăng cao bất thường.
Cụ thể, có tổng cộng 20 học sinh bị bệnh với các triệu chứng như: sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, ói. Có những học sinh sốt đến 39 độ C.
Các bác sĩ đã lấy ngẫu nhiên sáu mẫu xét nghiệm cúm, gửi về Viện Pasteur để phân lập.
Đến ngày 17-3, kết quả cho thấy 6/6 mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với cúm A (H1N1).
Trước đó, ngày 23-2 TP đã phát hiện điểm dịch tại hai Trường THCS Lê Văn Tám và Trường THCS Lam Sơn, quận Bình Thạnh, khiến số học sinh nghỉ học tăng cao bất thường.
Triệu chứng chính của các học sinh này chủ yếu là đau họng, sốt, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, nôn, ói…
Các chuyên gia nhi khoa nhận định nguyên nhân gây bệnh ở những học sinh này khả năng cao là do nhiễm siêu vi hô hấp khá thường gặp ở trẻ em, đa phần diễn tiến nhẹ, tự khỏi và không cần nhập viện.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cho biết việc xuất hiện các điểm dịch về hô hấp tại các trường học gần đây là bình thường.
Những chùm ca bệnh tương tự thường xuyên xảy ra trong năm, trong đó có nhiều tác nhân gây ra như: cúm A (H1N1), adenovirus...
"Trường học nào nếu thấy nhiều học sinh xuất hiện triệu chứng viêm đường hô hấp cần phải báo cáo ngay cho y tế địa phương để chủ động giám sát. Việc xuất hiện chùm ca viêm hô hấp trong thời gian tới là hoàn toàn có khả năng.
Điều quan trọng nhất, nếu nhà trường giám sát chặt học sinh, phát hiện kịp thời để tổ chức kiểm soát theo hướng dẫn của ngành y tế thì sẽ không lây lan. Nếu trường học báo cáo trễ chắc chắn sẽ lây lan ổ dịch", bà Nga cho hay.
Các trường cần làm gì tránh bùng phát dịch?
Bà Nga cho biết thêm, điều quan trọng nhất để hạn chế lây lan điểm dịch là sự tự giác của phụ huynh, tiếp đến là sự đáp ứng kịp thời của ngành y tế, bệnh sẽ tự giới hạn cần bảo vệ nhóm người nguy cơ. Kiểm soát lây lan phải thực hiện đúng theo hướng dẫn ngành y tế.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khuyến cáo thêm, TP đang vào mùa cao điểm của các bệnh đường hô hấp, dễ lây lan dịch trong môi trường tập trung đông người.
Do đó, các cơ sở giáo dục cần thực hiện quản lý học sinh bằng điểm danh mỗi ngày.
Cụ thể, trường hợp giáo viên, nhà trường thấy học sinh bị bệnh truyền nhiễm hoặc ghi nhận có hai học sinh cùng có vấn đề sức khỏe cùng một thời gian, hoặc học sinh nghỉ học tăng bất thường cần báo ngay cho y tế địa phương.
Đồng thời, khi có học sinh nghỉ nhiều ngày liên tiếp mà không rõ lý do, giáo viên chủ nhiệm và nhà trường phải chủ động liên hệ phụ huynh để xác định có phải bị bệnh truyền nhiễm.
Bên cạnh đó, khi đã phát hiện chùm ca bệnh tại trường, nhà trường tiếp tục theo dõi tình hình học sinh nghỉ bệnh hoặc có triệu chứng mới hằng ngày tại trường (kể cả ngày nghỉ), cập nhật danh sách học sinh mắc bệnh theo triệu chứng, thời gian, lớp học và báo cáo về trạm y tế theo quy định.
Trạm y tế hỗ trợ nhân viên y tế trường học khám, khai thác triệu chứng, tiền sử ăn uống, sinh hoạt của học sinh và phối hợp với trung tâm y tế giám sát theo dõi tình hình dịch bệnh.
Đồng thời, cần có sự kết hợp giữa trạm y tế và nhà trường để tăng cường truyền thông về các bệnh truyền nhiễm như đặc điểm, cách nhận biết các dấu hiệu của bệnh và các biện pháp phòng, chống...
Vận động phụ huynh đưa con đi khám bệnh sớm khi có các triệu chứng nghi ngờ và phản hồi thông tin về nhà trường để quản lý, theo dõi.
Ngoài ra, phụ huynh nên chủ động cho con đi tiêm ngừa các bệnh đã có vắc xin như cúm, thủy đậu, quai bị. Tiêm vắc xin là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất để làm giảm tỉ lệ mắc và tỉ lệ bệnh nặng do bệnh truyền nhiễm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận