Theo đó, hồ sơ vụ án Vạn Thịnh Phát lên tới gần 1 triệu bút lục, đựng trong 104 rương hồ sơ và được chở bằng xe tải chuyên dụng đến tòa để đảm bảo an toàn. Vụ án sẽ do thẩm phán Phạm Lương Toản (chánh Tòa hình sự Tòa án nhân dân TP.HCM) nghiên cứu, giải quyết.
Trước khi Tòa án nhân dân TP.HCM tiếp nhận hồ sơ, Tòa án nhân dân TP đã lường trước khối lượng hồ sơ vụ án nhiều nên tòa đã chuẩn bị một phòng riêng để chứa hồ sơ và tạo điều kiện để các luật sư, đương sự sao chụp, nghiên cứu tài liệu, lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy, camera để đảm bảo an ninh.
Quá trình điều tra, hồ sơ được đánh số theo bút lục, đựng riêng từng rương, luật sư bào chữa cho bị cáo nào thì có thể tìm kiếm và sao chụp theo danh mục tài liệu đã được ghi chú.
Được biết, số lượng luật sư bào chữa cho 86 bị cáo trong vụ án đến thời điểm này lên tới khoảng 200 luật sư. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, có nhiều luật sư đã đến Tòa án nhân dân TP.HCM để sao chụp hồ sơ vụ án.
Theo đó, Tòa án nhân dân TP.HCM dự kiến mở phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm trong tháng 3-2024 và dự kiến kéo dài hơn 1 tháng.
"Đây là giai đoạn 1 của vụ án, xét xử bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm về các tội tham ô tài sản, đưa hối lộ, nhận hối lộ… Chuỗi hành vi này không liên quan tới việc phát hành trái phiếu. Do đó, tòa mong người dân hiểu tại sao không được tòa triệu tập và không tụ tập đông trước khu vực tòa án ảnh hưởng tới an ninh, trật tự", ông Duy khuyến nghị.
Ông Duy cũng cho biết Tòa án nhân dân TP.HCM đã có kinh nghiệm xét xử đối với các vụ án có số lượng bị cáo, bị hại, người liên quan lớn như vụ Alibaba. Do đó, tòa đã có phương án đảm bảo việc xét xử, việc di chuyển của các bị cáo.
Từ năm 2012 đến tháng 10-2022, bà Trương Mỹ Lan (chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã thâu tóm, nắm giữ từ 85% đến 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB, trở thành cổ đông có "quyền lực" để chỉ đạo, điều hành, thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB.
Bà Lan và đồng phạm bị cáo buộc đã thực hiện một chuỗi hành vi gồm: Tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB; thành lập một số đơn vị thuộc Ngân hàng SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của bà Lan; thành lập, sử dụng hàng nghìn công ty "ma", thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm.
Trong thời gian này, SCB giải ngân cho nhóm bà Lan vay tiền, chiếm 93% số tiền cho vay, 7% còn lại là nhóm khách hàng thông thường. Các khoản nợ này đều nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.
Nhằm hợp thức việc rút tiền và tránh truy vết, bà Lan đã chỉ đạo cán bộ ở SCB chuyển tiền giải ngân vào các công ty ma, sau đó thực hiện rút tiền. Từ tháng 2-2018 đến tháng 10-2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB với 545.000 tỉ đồng và chiếm đoạt 304.000 tỉ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận