Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Hồ Hải - phó bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Phan Nguyễn Như Khuê - trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Văn Dũng - phó chủ tịch HĐND TP.HCM, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Phạm Quang Bản - phó vụ trưởng, phó trưởng Cơ quan thường trực khu vực miền Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương… cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP.HCM.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, chính sách cho văn nghệ sĩ
Báo cáo kết quả 15 năm thực hiện nghị quyết số 23-NQ/TW, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh những kết quả quan trọng đạt được trong phát triển văn học, nghệ thuật đã đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP.HCM.
Nổi bật là công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh.
Thời gian qua, thành phố quan tâm các hoạt động xã hội hóa, phát huy các nguồn lực xã hội để phát triển văn học, nghệ thuật. Tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa sáng tạo trong hoạt động nhưng có sự quản lý nhà nước chặt chẽ; định hướng hoạt động hợp tác quốc tế và phối hợp giữa các địa phương với các hội văn học, nghệ thuật nhằm mang lại hiệu quả tích cực.
Công tác xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, đào tạo nguồn nhân lực luôn được thành phố coi trọng. Theo đó, lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo, định hướng củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị nghệ thuật công lập, khuyến khích các sân khấu, đơn vị nghệ thuật xã hội hóa thường xuyên biểu diễn phục vụ nhu cầu giải trí của người dân.
Về chế độ chính sách dành cho đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật hoặc đạt các giải thưởng và danh hiệu nhà nước cao quý, thành phố có chính sách khám sức khỏe định kỳ hoặc tặng thẻ bảo hiểm y tế cho văn nghệ sĩ trên 70 tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật.
Nâng cao hiệu quả hoạt động văn học nghệ thuật từ các cấp
Tuy nhiên việc xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Đó là văn hóa, văn học, nghệ thuật vẫn chưa được một số cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức và quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng.
Các chủ trương, chính sách về đầu tư kinh phí, ngân sách, thiết chế văn hóa trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật hoặc hoạt động sáng tác, dàn dựng, quảng bá văn học nghệ thuật cũng còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, các chế độ, chính sách dành cho văn nghệ sĩ chưa phù hợp, chưa "giữ chân" được các tài năng. Trong khi đó công tác phát hiện các tài năng trẻ để tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng cũng còn hạn chế.
Ông Dương Anh Đức đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các đơn vị liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nghị quyết số 23-NQ/TW, chương trình hành động số 45-CTr/TU và các kết luận, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Trung ương có liên quan đến hoạt động văn học, nghệ thuật.
Theo đó, cần nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo, quản lý, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về văn học, nghệ thuật; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ đáp ứng nhu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động văn học nghệ thuật.
Kỳ vọng sự đóng góp của công nghiệp văn hóa cho TP.HCM
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, xác định những ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm để tập trung đầu tư, đưa công nghiệp văn hóa trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng.
Quá trình xây dựng, phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang dần được định hình.
Năm 2010, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa đạt trên 19.313 tỉ đồng. Năm 2019 trên 38.916 tỉ đồng. Chứng tỏ đóng góp của sản xuất các ngành công nghiệp văn hóa trong GRDP ngày càng tăng. Trong đó ngành có tỉ lệ đóng góp lớn nhất là quảng cáo.
Năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh, giá trị này giảm xuống nhưng cũng đạt được 36.732 tỉ đồng.
Bà Thanh Thúy nhận định việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một phương thức hữu hiệu để TP.HCM góp phần hiện đại hóa lĩnh vực văn hóa.
Sở Văn hóa - Thể thao đã trình UBND TP đề án Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2035 trên cơ sở phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển thành phố với kỳ vọng có sự bứt phá.
Với những tiềm năng to lớn đó, bà Thúy mong: "Sớm thông qua đề án Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa để tạo nên thị trường văn hóa, các loại hình dịch vụ văn hóa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng với thế giới".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận