06/06/2022 14:15 GMT+7

TP.HCM: Vì sao nhiều huyện dự tính lên TP mà không lên quận?

THÁI AN-K.YÊN-THẢO LÊ
THÁI AN-K.YÊN-THẢO LÊ

TTO - Mô hình thành phố trực thuộc TP.HCM cho phép tồn tại đồng thời đơn vị hành chính phường và xã, trong khi để lên quận thì phải có 100% đơn vị là phường. Nên việc lên thành phố sẽ dễ hơn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các huyện.

TP.HCM: Vì sao nhiều huyện dự tính lên TP mà không lên quận? - Ảnh 1.

Huyện Nhà Bè định hướng phát triển thành đô thị vệ tinh của TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Hiện nay các huyện ngoại thành TP.HCM đều đã nghiên cứu hoặc công bố định hướng nghiên cứu phát triển lên thành phố từ nay đến năm 2030. Nhiều bạn đọc thắc mắc tại sao các huyện lại định hướng phát triển lên thành phố thay vì phát triển lên quận như trước đây?

Các huyện ngoại thành hiện nay có những xã rất phát triển với mức độ đô thị hóa cao, dân số lớn, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chuyển hướng mạnh tương đương phường.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều xã là xã nông thôn, cần nhiều thời gian hơn để phát triển tương đương phường. Vì vậy, mô hình lên thành phố sẽ đáp ứng được nhu cầu quản lý, phát triển địa phương.

"Để lên quận đòi hỏi rất nhiều tiêu chí tương ứng với mức độ đô thị hóa cao. Trong khi tiêu chí lên thành phố dễ đạt được hơn, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương" - kiến trúc sư Ngô Anh Vũ, viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM, nói.

Theo quy định tại nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, thì 5 huyện ngoại thành muốn lên quận, hay thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (TP.HCM) phải đáp ứng 5 tiêu chí.

Trong đó, để lên quận, các huyện phải đáp ứng tiêu chí 100% đơn vị hành chính là phường (phải có từ 12 phường trở lên) bên cạnh các tiêu chí khác. Còn để lên thành phố, huyện phải có 65% đơn vị hành chính là phường (trong tổng số từ 10 đơn vị hành chính cấp xã trở lên).

So với các tiêu chí đó, lãnh đạo huyện Bình Chánh nhận định việc phát triển huyện thành quận thì không đủ điều kiện bởi yêu cầu 100% đơn vị hành chính cấp xã của quận phải đủ điều kiện thành phường. Trong khi đó, điều kiện trở thành thành phố dễ dàng hơn vì nhiều xã của Bình Chánh chưa đủ điều kiện để thành phường.

Đại diện huyện Bình Chánh cho biết, "cái áo" chính quyền nông thôn hiện tại quá chật so với "cơ thể" thực sự của huyện. Các xã như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B có đến khoảng 160.000 người/xã, mật độ dân số không thua các phường ở nội thành nhưng lại được quản lý bởi chính quyền cấp xã.

Các lực lượng khác đều phải chịu khuôn khổ, biên chế, quy định như một xã ở nông thôn có chưa tới 10.000 dân. Các xã này cần phải có cơ chế quản lý của một phường thì mới có đủ nhân lực, tài lực, vật lực để quản lý, vận hành.

Trong khi đó, lãnh đạo huyện Củ Chi cũng cho biết huyện này mong muốn được trở thành thành phố để có cơ chế quản lý tốt hơn, phù hợp hơn hiện tại.

Huyện định hướng phát triển đô thị sinh thái thông minh, phát triển các khu du lịch sinh thái ven sông; phát triển các trung tâm khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao; phát triển nông nghiệp đô thị...

Lãnh đạo huyện Hóc Môn cũng cho rằng bộ máy thành phố trực thuộc tỉnh là một phương án phù hợp cho địa bàn Hóc Môn trong thời gian tới. Huyện định hướng phát triển thương mại, dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp; du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, logistics…

Theo định hướng, huyện Cần Giờ phát triển thành thành phố nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái có đủ sức cạnh tranh và thu hút khách du lịch với các trung tâm du lịch khác tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á…

Còn ông Triệu Đỗ Hồng Phước - chủ tịch UBND huyện Nhà Bè - cho biết Huyện ủy Nhà Bè cũng đang bàn bạc theo hướng đưa Nhà Bè thành thành phố vệ tinh, đô thị thông minh.

“Lên thành phố hay quận không phải cứ theo cảm tính chủ quan được, phải có cơ sở khoa học. Thường vụ đang bàn với các chuyên gia về mô hình của huyện, phải nghiên cứu bài bản mới có thể đề xuất UBND TP.HCM.

Không phải mình đề xuất lên quận hay thành phố vì chỉ tiêu này dễ đạt, chỉ tiêu kia khó đạt. Mục đích chung vẫn là thực hiện mục tiêu đô thị hóa, nâng cao đời sống người dân”, ông Triệu Đỗ Hồng Phước nói.

Theo ông Ngô Anh Vũ, các huyện phải công bố rõ lộ trình phát triển để huy động nguồn lực phù hợp, hạn chế tác động tiêu cực từ định hướng phát triển như "sốt đất" phá vỡ quy hoạch.

"Các huyện muốn lên thành phố phải đạt các tiêu chí theo quy định. Riêng huyện Nhà Bè chỉ có 7 xã, không đáp ứng được tiêu chí số lượng đơn vị hành chính trực thuộc kể cả lên quận hay thành phố. Vì vậy, huyện cũng phải tính toán phương án, lộ trình phát triển phù hợp..." - ông Vũ nhận định.

Ông Vũ cũng giải thích thêm, các huyện ngoại thành lên thành phố trực thuộc TP.HCM nhưng cấp hành chính chỉ là cấp huyện (TP.HCM là thành phố trực thuộc trung ương, là đơn vị hành chính cấp tỉnh).

So với thành phố Thủ Đức cũng là đơn vị hành chính cấp huyện là ngang cấp. "Tuy nhiên cần phải hiểu thành phố Thủ Đức là đơn vị hành chính cấp huyện đặc biệt, không giống với cấp huyện khác theo quy định, có cơ chế đặc thù riêng, là động lực tăng trưởng của TP.HCM nói riêng....".

PGS.TS Vũ Tấn Hưng - phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ kiêm phó giám đốc Học viện Khoa học xã hội trực thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - cho rằng nhu cầu chuyển đổi và nâng cấp các huyện lên quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM ngày càng trở nên cấp thiết.

Cụ thể, hiện tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền nông thôn nên còn hạn chế về phân cấp, chưa quản lý và khai thác được các tiềm năng để phát triển.

Việc chuyển huyện thành quận hoặc thành phố sẽ thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện thể chế và cơ cấu tổ chức tinh gọn.

Theo kế hoạch, Sở Nội vụ sẽ hoàn thiện Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021-2030 trình UBND thành phố trước ngày 30-9. Đồng thời, các huyện cũng xây dựng đề án riêng. Sau khi các đề án này được trình, TP.HCM mới chốt địa phương nào lên quận hoặc thành phố.

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM: Luôn đồng hành cùng người dân khó khăn Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM: Luôn đồng hành cùng người dân khó khăn

Những năm vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM luôn quan tâm, chăm lo sức khỏe và đời sống của người dân nghèo trên cả nước. Trung bình mỗi năm Bệnh viện tổ chức khoảng 25 – 30 chương trình thiện nguyện, hỗ trợ bà con có hoàn cảnh khó khăn.




THÁI AN-K.YÊN-THẢO LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên