Theo đó, các sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam như gạo, cà phê, cao su tự nhiên và trái cây sẽ được vận chuyển qua hành lang này, phân phối đến các khu vực nội địa của Trung Quốc và châu Âu, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường và phát triển bền vững.
Giảm chi phí logistics
Đây là một trong những ý nghĩa quan trọng tại Hội nghị Xúc tiến hợp tác hành lang thương mại đường bộ - đường biển quốc tế mới giữa Trùng Khánh (Trung Quốc) và TP.HCM (Việt Nam) vừa diễn ra chiều 24-9.
Tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP.HCM có sứ mệnh là trung tâm nhiều mặt của cả nước, với hệ thống các phương tiện giao thông đồng bộ gồm đường hàng không, đường sông, đường biển, đường bộ, đường sắt.
Ông Hoan nói TP.HCM quyết tâm đến năm 2035 xây dựng 180km đường sắt đô thị và mời gọi Trùng Khánh tham gia vào hệ thống đường sắt đô thị tại thành phố.
Theo ông Hoan, TP.HCM muốn xây dựng huyện Cần Giờ thành trung tâm logistics và xây dựng cảng trung chuyển Cần Giờ (đang ở giai đoạn kế hoạch) tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Cảng trung chuyển Cần Giờ sau khi xây dựng có thể kết nối được với cảng Trùng Khánh, từ đó thúc đẩy phát triển nhiều mặt, tạo cơ hội để hàng hóa Trung Quốc mở rộng thị trường ở phía Nam Việt Nam.
Ông Trịnh Hướng Đông, phó thị trưởng Trùng Khánh, thông tin tiềm năng và cơ hội tác hành lang thương mại quốc tế mới.
Theo ông Trịnh Hướng Đông, Trùng Khánh là một trong bốn thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc, trung tâm kinh tế chiến lược khu vực Tây Nam Trung Quốc. Trùng Khánh đã xây dựng ba mô hình logistics chủ đạo gồm liên vận đường sắt, đường biển, vận tải xuyên biên giới, và vận tải liên vận quốc tế.
Hệ thống này kết nối trực tiếp với 72 thành phố và 154 ga tàu tại 18 tỉnh thành ở Trung Quốc, đồng thời tiếp cận 538 cảng tại 125 quốc gia trên toàn cầu. Điều này tạo điều kiện cho TP.HCM và Trùng Khánh hợp tác hiệu quả hơn trong việc phát triển chuỗi cung ứng, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Với hành lang thương mại đường bộ - đường biển quốc tế mới Trùng Khánh - TP.HCM, tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cho hay không chỉ giúp giảm chi phí logistics mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế giữa hai bên. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Cũng tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội trong 8 ngành nghề như đầu tư, thương mại, logistics... của Trung Quốc và Việt Nam đã tiến hành lễ ký kết hợp tác, thúc đẩy giao thương trong thời gian tới.
Theo thống kê được trình bày tại hội nghị, trong 7 tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đạt 112,2 tỉ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN và đứng thứ năm trên toàn thế giới.
Những con số này minh chứng cho tầm quan trọng của việc mở rộng hợp tác giữa hai quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận