Chiều 15-3, tại hội nghị trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết đến hết năm 2023, TP.HCM đã thực hiện 10 nội dung phối hợp cấp vùng. Qua đó, TP.HCM đã hoàn thành nhiều nội dung và đang tiếp tục thực hiện.
Phối hợp, đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án trọng điểm
Cụ thể, ông Lâm cho hay các sở ngành của TP.HCM đã chủ động phối hợp với các sở ngành liên quan của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ để thực hiện thỏa thuận hợp tác như phối hợp với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An triển khai các dự án thành phần thuộc dự án Vành đai 3 TP.HCM, đảm bảo yêu cầu đồng bộ về kỹ thuật, tiến độ.
TP.HCM cũng phối hợp trong triển khai đầu tư, nâng cấp mở rộng các tuyến cao tốc trong vùng như mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức - Long Thành…
Nghiên cứu đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 đến Đồng Nai, Bình Dương; phối hợp quản lý, khai thác tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, tuyến vận tải hành khách TP.HCM - Vũng Tàu…
Theo ông Lâm, các nội dung phối hợp song phương đa phần là những nội dung thường xuyên (như lĩnh vực y tế, du lịch, xúc tiến đầu tư…), hoặc cần thời gian triển khai dài (như lĩnh vực giao thông vận tải, quy hoạch…) nên vẫn đang tiếp tục phối hợp thực hiện trong thời gian tới.
Trong giai đoạn 2024 - 2025, theo ông Lâm, UBND TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ tiếp tục phối hợp thực hiện nhiều nội dung.
Cụ thể, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các dự án thành phần, đảm bảo cơ bản hoàn thành dự án vành đai 3 TP.HCM trong năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Đối với dự án đường vành đai 4 TP.HCM, sớm hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án đường vành đai 4, trình cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2024 và đưa dự án vào khai thác năm 2028.
Đồng thời, đề xuất, trình cấp thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án xây dựng đường vành đai 4.
Đối với các dự án cao tốc liên kết vùng và các dự án đường sắt, TP.HCM tập trung hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành trong quý 2-2023.
Cần tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn và cơ chế
Báo cáo các nội dung hợp tác vùng, đại diện UBND TP.HCM cũng nêu ra những khó khăn đang tồn tại như việc sân bay Long Thành (giai đoạn 1) dự kiến đưa vào sử dụng năm 2026 nhưng hiện tại chưa có đường sắt kết nối hệ thống giao thông khu vực đến sân bay Long Thành.
Vì vậy, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đồng bộ với thời gian khai thác sân bay Long Thành.
Đối với tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) kết nối với tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai, TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương sẽ thông qua phương án đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 trong quý 2-2024.
Về quy hoạch vùng, UBND TP.HCM cũng đánh giá hệ thống đường ven biển đã được định hướng trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhưng hướng tuyến chưa được thể hiện cụ thể trong quy hoạch tỉnh.
Do đó, TP.HCM và các tỉnh trong vùng phối hợp nghiên cứu, thống nhất hướng tuyến đường ven biển trong các đồ án quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh làm cơ sở triển khai đầu tư trong thời gian tới.
Đại diện UBND TP.HCM cũng cho rằng các tỉnh, thành trong vùng đang làm nhiều dự án trọng điểm nhưng nguồn vật liệu cát đắp nền đường đang có nguy cơ thiếu hụt, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các dự án.
Đề cập đến vùng Đông Nam Bộ có cụm cảng biển lớn nhất cả nước (cảng Tân Cảng Cát Lái, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải) và đa dạng các phương thức vận tải, đại diện UBND TP.HCM cho hay sắp tới sẽ phói hợp với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ nghiên cứu xây dựng đề án phát triển hệ thống logistics của vùng Đông Nam Bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận