Sáng 15-5, trong chuyến thăm Đại học Sydney của đoàn đại biểu TP.HCM đã diễn ra 2 buổi ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác.
Trong đó biên bản ghi nhớ giữa Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Viện Net Zero, Viện Đại học Sydney Việt Nam đã chính thức mở ra cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực phát triển, trao đổi và thúc đẩy nhận thức của xã hội đối với các công nghệ và hệ thống, nhằm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng không toàn cầu.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Tổng lãnh sự Việt Nam tại New South Wales, Queensland và Nam Úc Nguyễn Đăng Thắng, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Anoulack Chanthivong và các đại diện từ Đại học Sydney chứng kiến buổi ký kết.
Tại buổi ký kết, giáo sư Mark Scott AO - chủ tịch và hiệu trưởng của Trường đại học Sydney - chia sẻ đổi mới trong lĩnh vực y tế và phát thải ròng bằng không là những ưu tiên quan trọng hàng đầu mà cả hai quốc gia cùng hướng đến.
Đại học Sydney vui mừng được tiếp tục cam kết thúc đẩy nghiên cứu y học tại Việt Nam và khám phá các cơ hội hợp tác về các giải pháp cho mục tiêu phát thải ròng bằng không toàn cầu.
Giáo sư Nguyễn Thu Anh - giám đốc Viện Đại học Sydney Việt Nam - chia sẻ viện này sẽ hiện thực hóa tầm nhìn về hợp tác bền vững, cùng có lợi trên tất cả các cấp độ giáo dục đại học và hợp tác nghiên cứu.
Viện Đại học Sydney Việt Nam là doanh nghiệp xã hội có vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ đầu tiên tại Việt Nam, có trụ sở chính tại TP.HCM. Đây là một trong những doanh nghiệp xã hội nước ngoài đầu tiên trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Viện Đại học Sydney Việt Nam được xây dựng trên nền tảng giáo dục, hợp tác nghiên cứu đa ngành tầm cỡ quốc tế, và các mối quan hệ hợp tác học thuật lâu dài giữa Đại học Sydney và Việt Nam trong suốt 50 năm qua.
Trong nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có nêu 6 chính sách đặc thù, trong đó có quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nghị quyết đã và đang mở rộng cánh cửa đổi mới, sáng tạo, thu hút nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực này.
Sự ra đời của Viện Đại học Sydney Việt Nam trong bối cảnh này sẽ góp phần tăng cường hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học cho các trường đại học, viện nghiên cứu tại thành phố, đồng thời đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của TP.HCM.
TP.HCM mong muốn mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực công nghệ số, AI
Phát biểu tại buổi làm việc với hiệu trưởng Đại học Sydney, chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao việc Đại học Sydney thành lập Viện Đại học Sydney Việt Nam tại TP.HCM.
Ông Mãi cho hay sự ra đời của viện trong bối cảnh TP.HCM đang triển khai nghị quyết 98 hết sức quan trọng, sẽ góp phần tăng cường hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học cho các trường đại học, viện nghiên cứu tại TP, đồng thời đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của TP.
Chủ tịch UBND TP tin tưởng TP.HCM có gần 2.200 start-up, gần 200 quỹ đầu tư mạo hiểm và 97 trường đại học, cao đẳng trú đóng trên địa bàn TP, sẽ là môi trường hoạt động lý tưởng của viện.
Ông Mãi hoan nghênh việc ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Sydney với Sở Y tế và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM về y tế và tăng trưởng xanh, bền vững.
Đồng thời mong muốn hợp tác giữa Đại học Sydney và TP.HCM còn mở rộng sang các lĩnh vực mới như công nghệ số, AI, công nghệ giáo dục, trao đổi học tập và văn hóa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận