Đồng Nai và TP.HCM đều đề xuất ưu tiên đầu tư đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành - Ảnh: UBND tỉnh Đồng Nai
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, kinh nghiệm của các thành phố lớn trên thế giới cho thấy phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD) là một chiến lược phát triển tích hợp đô thị với hệ thống giao thông công cộng rất hiệu quả.
Mô hình này góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và khai thác hệ thống vận tải hành khách công cộng sức chở lớn, phát triển đô thị với dân cư tập trung mật độ cao, nâng cao giá trị sử dụng đất hỗn hợp trong khu vực bán kính 500m từ các nhà ga...
Để đảm bảo tính đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị theo mô hình TOD, Sở Giao thông vận tải TP kiến nghị UBND TP đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì, làm việc với TP.HCM cùng các địa phương và bộ ngành liên quan trong quá trình lập các quy hoạch mang tính kỹ thuật, chuyên ngành đường sắt.
Trong đó, chú trọng xác định hướng tuyến, các vị trí nhà ga gắn với phát triển đô thị trong tương lai theo mô hình TOD để phát huy hiệu quả đầu tư hệ thống đường sắt, phát triển đô thị bền vững và sử dụng hiệu quả quỹ đất dọc tuyến. Cụ thể TP kiến nghị ưu tiên đầu tư đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển mạng lưới đường sắt liên kết vùng.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bên cạnh tuyến đường sắt Bắc - Nam, có 5 tuyến đường sắt kết nối TP.HCM với các địa phương gồm tuyến: Nha Trang - TP.HCM (đường sắt tốc độ cao), TP.HCM - Cần Thơ, TP.HCM - Lộc Ninh, TP.HCM - Tây Ninh, Thủ Thiêm - Long Thành.
Trong đó, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành dài khoảng 38km, có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức, TP.HCM), điểm cuối là sân bay quốc tế Long Thành. Theo tính toán ban đầu, tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 40.500 tỉ đồng. Với dự án này, tỉnh Đồng Nai cũng đã nhiều lần đề xuất sớm đầu tư trong bối cảnh sân bay Long Thành được chốt phải hoàn thành năm 2025.
Ở trục về miền Tây, dự án đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ dự kiến đầu tư 10 tỉ USD cũng được các địa phương rất quan tâm. Tuyến đường có tổng chiều dài 134,9km và đi qua 5 tỉnh thành gồm: TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ với 9 nhà ga.
Dự án có điểm đầu là ga Tân Kiên (TP.HCM) và điểm cuối là ga Cần Thơ (TP Cần Thơ). Ngoài ra, còn có tuyến nhánh từ ga Thanh Phú (Long An) đi cảng Hiệp Phước và cảng quốc tế Long An dài 44km, đi qua TP.HCM, Long An.
Hiện Bộ Giao thông vận tải đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu dự án tiền khả thi. Với tốc độ dự kiến 190km/h, đường sắt sẽ rút ngắn thời gian đi từ Cần Thơ đến TP.HCM chỉ còn 75 - 80 phút, thay vì 180 - 240 phút đi đường bộ như hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận