Cơ quan thuế sẽ áp dụng các biện pháp xử phạt mạnh tay với các trường hợp thu nhập khủng từ các "ông lớn" như Google, Facebook, YouTube nhưng không khai thuế - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Thu nhập 'khủng' nhưng không kê khai thuế
Ông Thái Minh Giao, cục phó Cục Thuế TP.HCM, cho hay Cục Thuế vừa xử lý 38 người có thu nhập từ Google với số thuế xử lý truy thu, phạt và tiền chậm nộp lên đến 169 tỉ đồng. Trong đó một người có thu nhập "khủng" từ Google nhưng "quên" nộp thuế đã bị Chi cục Thuế khu vực quận 7 - Nhà Bè truy thu và phạt 31 tỉ đồng.
Ngoài ra, cơ quan thuế xử lý 3 doanh nghiệp với số thuế xử lý truy thu, phạt và tiền chậm nộp là 327 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Cục Thuế TP.HCM cũng thanh tra một công ty đối tác của nhà cung cấp nước ngoài Google tại Việt Nam làm nhiệm vụ quản lý các kênh YouTube tự sản xuất nội dung số tại Việt Nam với số thuế truy thu và phạt là 24,3 tỉ đồng.
Việc truy thu thuế của Cục Thuế TP.HCM dựa trên thông tin do 4 ngân hàng thương mại cung cấp. Cụ thể các ngân hàng này đã cung cấp cho cơ quan thuế danh sách các tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập từ Google với tổng số tiền nhận từ nước ngoài hơn 51,2 triệu USD và 21,4 tỉ đồng.
Ông Thái Minh Giao cũng cho biết thời gian qua Cục Thuế TP.HCM đã thực hiện kiểm tra các công ty đối tác của nhà cung cấp nước ngoài Google tại Việt Nam. Qua kiểm tra 3 công ty đối tác, cơ quan thuế đã khai thác thêm được các tổ chức, cá nhân trong nước cung cấp dịch vụ trực tuyến cho các tổ chức nước ngoài chưa thực hiện kê khai nộp thuế, để kiểm tra, xử lý truy thu thuế.
Cục Thuế TP.HCM cũng tham mưu UBND TP.HCM ban hành công văn yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM chỉ đạo các ngân hàng thương mại phối hợp cung cấp thông tin tài khoản, thông tin các giao dịch nhận và trả tiền của các tổ chức và cá nhân trong nước với các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài theo yêu cầu của cơ quan thuế.
Ở chiều chuyển đi, cơ quan thuế yêu cầu các ngân hàng thương mại có trách nhiệm khấu trừ thuế phải nộp của các tổ chức nước ngoài có phát sinh thu nhập tại Việt Nam do cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như: Google (dịch vụ quảng cáo...), Apple (dịch vụ lưu trữ dữ liệu đám mây, dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Apple music), Netflix (dịch vụ xem phim trực tuyến), Agoda, Booking.com (dịch vụ đặt phòng trực tuyến)... trước khi chuyển tiền ra nước ngoài theo quy định tại nghị định 126 của Chính phủ.
Truy thuế thương mại điện tử từ dịch vụ logistics, dịch vụ giao hàng
Trước đó, để quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên nền tảng số, Cục Thuế TP.HCM cho hay bên cạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế, Cục Thuế TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp từ nhiều "mũi" khác nhau như: xây dựng cơ chế cung cấp thông tin của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, dịch vụ giao hàng, nhất là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao hàng có thu hộ tiền bán hàng.
Đối với các doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn, Cục Thuế TP.HCM đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp vận động khách hàng phải thực hiện đúng quy định về thuế, đồng thời thanh tra các sàn thương mại điện tử này.
Tương tự, Cục Thuế TP.HCM đề nghị các doanh nghiệp trung gian thanh toán cung cấp dữ liệu số tiền chuyển từ người mua đến các tổ chức, cá nhân định kỳ 6 tháng 1 lần.
Căn cứ dữ liệu được cung cấp, các phòng thanh tra - kiểm tra, phòng quản lý hộ kinh doanh, cá nhân và các chi cục thuế đã rà soát đối chiếu với doanh thu đã kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, nếu có chênh lệch chưa thực hiện kê khai sẽ xử lý truy thu thuế và xử phạt theo quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận