Đây là một đề án táo bạo, đặt mục tiêu hoàn thành 355km vào năm 2035 và 510km vào năm 2045.
Đề án metro: 10 năm làm xong 355km
Theo đề án metro, TP.HCM đã rà soát cập nhật và đề xuất đầu tư 7 tuyến metro dài khoảng 355km, hoàn thành vào năm 2035, với vốn đầu tư khoảng 40,21 tỉ USD. Đến năm 2045 sẽ hoàn thành thêm 155km, nâng tổng chiều dài lên khoảng 510km.
Như vậy, với tờ trình lần này, TP.HCM đã đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ hoàn thành 355km thay vì 183km như đề xuất ban đầu. Từ đó, rút ngắn tiến trình hoàn thành toàn bộ mạng lưới theo quy hoạch 510km vào năm 2045 mà không chờ đến năm 2060.
Việc nâng quy mô đầu tư, rút ngắn thời gian hoàn thiện mạng lưới nhằm giải quyết được các bất cập về giao thông đô thị, yêu cầu phát triển thành phố hiện đại văn minh trong tương lai. Đây cũng là tầm nhìn chiến lược với cách nghĩ và cách làm mới mà trung ương đã định hướng trong thời gian qua.
Để thực hiện thành công và sớm hoàn thành mục tiêu, đề án đề xuất tổng cộng 43 cơ chế chính sách đột phá. Trong đó bao gồm 32 cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, 13 cơ chế thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ.
Sau khi được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương triển khai đề án, TP.HCM sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, TP Hà Nội và các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách đặc thù trình Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết để tổ chức thực hiện.
Để đầu tư các dự án trong đề án, TP.HCM xác định đầu tư công có vai trò chủ đạo. Trong quá trình triển khai, TP sẽ tiếp tục nghiên cứu kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng các tuyến metro có tiềm năng thương mại.
Với nguồn vốn ngân sách, TP sẽ huy động từ kế hoạch vốn trung hạn, nguồn vượt thu, nguồn từ khai thác quỹ đất (TOD), phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Bên cạnh đó là huy động vốn vay, huy động từ hợp đồng BT (trả bằng ngân sách hoặc quỹ đất), vốn ngân sách trung ương hỗ trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Có ít nhất 3 năm chuẩn bị cho đề án metro
Tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa X vào chiều 12-10, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm cho hay để đảm bảo làm xong 355km metro vào năm 2035, đề án đặt mục tiêu phải hoàn thành công tác chuẩn bị dự án trong giai đoạn 2025 - 2027. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng phải hoàn thành vào năm 2027 - 2028. 7 tuyến metro phải được khởi công đồng loạt từ năm 2027 và chậm nhất vào năm 2028 để vận hành khai thác vào năm 2035.
Theo ông Lâm, thời gian qua Chính phủ hết sức quan tâm phát triển hạ tầng, ưu tiên để đầu tư dứt điểm hạ tầng giao thông xương sống và chiến lược của TP. Đây là thời cơ thuận lợi cũng là cơ hội để TP.HCM thực hiện.
Không chỉ đầu tư đường sắt đô thị, TP.HCM còn kết hợp chỉnh trang và tái cấu trúc khu đô thị hiện hữu xung quanh nhà ga và phát triển không gian ngầm.
Đường sắt tới đâu thì các đô thị xung quanh nhà ga sẽ được chỉnh trang khang trang, phát huy hiệu quả sử dụng đất và không gian ngầm trong thời gian tới đó.
"Từ kinh nghiệm của metro số 1 và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, chúng tôi tin tưởng và nỗ lực tập trung xây dựng và hoàn chỉnh đề án và cơ chế chính sách khả thi, hiệu quả, báo cáo TP những nội dung tiếp theo, phấn đấu triển khai hệ thống metro theo mục tiêu đề ra", ông Lâm nói.
Metro số 1 sẽ vận hành vào ngày 22-12
Metro số 1 là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên được phê duyệt vào năm 2007 với tổng chiều dài 19,7km. Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết dự án đã hoàn thành 100% khối lượng thi công, đang trong thời gian làm các thủ tục theo quy định để hoàn thành và đưa dự án vào vận hành thương mại. Dự kiến metro số 1 vận hành chính thức vào ngày 22-12.
Sẽ trình Bộ Chính trị đề án metro của TP.HCM
Theo tờ trình, đề án metro đã được TP xin ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và nhận được sự đồng thuận cao. Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức lấy ý kiến đề án metro tại TP Hà Nội và TP.HCM của các cơ quan trung ương, các ủy ban của Quốc hội, các bộ ngành liên quan. Trên cơ sở đó, ngày 25-11 Bộ Giao thông vận tải đã trình Thường trực Chính phủ đề án metro tổng thể tại Hà Nội và TP.HCM.
Ngày 6-12, kết luận của Thường trực Chính phủ nêu rõ đề án đã được chuẩn bị công phu, có chất lượng và ghi nhận, đánh giá cao kết quả, nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải, TP Hà Nội, TP.HCM cùng các cơ quan và đơn vị liên quan. Theo thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ, đề án metro tại TP Hà Nội và TP.HCM sẽ trình Bộ Chính trị để xin ý kiến về các nội dung quan trọng, bao gồm đồng ý chủ trương triển khai đề án và áp dụng các cơ chế đặc thù, đặc biệt về chỉ định thầu tư vấn, giám sát và lựa chọn các nhà đầu tư, huy động nguồn lực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận