Chuyển đổi số và hướng đến cộng đồng là nội dung nổi bật của các công trình đoạt giải năm nay.
Chất xúc tác cho những điều tốt đẹp
Đội hình "Việc làm nhỏ - ý nghĩa lớn" của Quận Đoàn 1 hình thành từ 2016 đến nay đã lan tỏa đến nhiều bạn trẻ, phần nào góp công thay đổi nhận thức của cộng đồng.
Bí thư Quận Đoàn 1 Trần Đỗ Nam Long kể mỗi khi phố đi bộ Nguyễn Huệ có hoạt động, nhiều người đổ về tham dự nhưng sau đó rác ngập trên phố. Vậy là đội hình nhặt rác và tuyên truyền mọi người không xả rác bừa bãi hình thành.
"Ban đầu, ai cũng nghĩ tụi này rảnh rỗi, nhưng chúng tôi vẫn duy trì đều đặn khiến mọi người suy nghĩ lại. Nhiều người đã tham gia cùng nhặt rác sau các sự kiện đông người, tôi thấy đã có sự chuyển biến" - anh Long nói.
Cũng từ nhu cầu thực tế, Đoàn Học viện Cán bộ TP.HCM khai sinh chương trình "Tập sự phục vụ nhân dân". Từ 2017 đến nay, sinh viên tình nguyện đến hỗ trợ bà con có nhu cầu về thủ tục hành chính tại các đơn vị hành chính quận, huyện, phường, xã.
Phó bí thư Đoàn Học viện Cán bộ TP.HCM Lê Bá Hưng cho biết tùy nhu cầu địa phương sẽ có từng đợt hỗ trợ. Chẳng hạn vào mùa dịch COVID-19, các bạn giúp nhập liệu và truy vết, còn hiện tại đang hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số tại địa phương.
"Dùng chính chuyên môn hỗ trợ địa phương, bà con nhưng cũng nhờ thực tiễn đó mà sinh viên học được nhiều điều để khi ra trường sẽ là những người làm việc có trách nhiệm", anh Hưng cho hay.
Trong khi đó từ năm 2016, Huyện Đoàn Củ Chi đã thực hiện giải pháp "Sáng mãi những chiến công". Bí thư Huyện Đoàn Củ Chi Huỳnh Vĩnh Lộc nói suốt 7 năm liên tục, các bạn đã có ba mô hình từ hoạt động này.
Đó là thay mới khung bằng Tổ quốc ghi công, Mẹ Việt Nam anh hùng, huân huy chương cho các gia đình chính sách của huyện; tập sách những câu chuyện mẹ kể; phục hồi di ảnh thờ liệt sĩ và mẹ Việt Nam anh hùng tại huyện.
Để làm "Tập sách những câu chuyện mẹ kể", các bạn tìm gặp các mẹ Việt Nam anh hùng, nghe và ghi chép những câu chuyện còn mãi trong ký ức của các mẹ thành tài liệu tuyên truyền cho các bạn trẻ.
Cũng chọn lưu giữ truyền thống song các bạn trẻ Đoàn khối cơ sở Bộ Công Thương tại TP.HCM đã thực hiện công trình "Lắp đặt hệ thống chiếu sáng nghĩa trang liệt sĩ tại các địa bàn khó khăn".
Bí thư Đoàn khối Bùi Trọng Nghĩa cho hay chính vì có các cơ sở Đoàn trực thuộc trải dài ở nhiều tỉnh thành cả nước nên các bạn đã có thể âm thầm làm công trình này từ 2018 đến nay tại nhiều tỉnh. Trong đó, các cơ sở Đoàn thuộc cụm điện đã xung phong thực hiện công trình thắp sáng nghĩa trang liệt sĩ tại các vùng xa như cách để người trẻ đền ơn đáp nghĩa, trân trọng các giá trị truyền thống.
Chuyển đổi số trong hoạt động Đoàn
Đoàn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã có sáng kiến chuyển giao công nghệ và ứng dụng vào các hoạt động của Đoàn cách đây 5 năm.
Bí thư Đoàn trường Lê Xuân Thân cho hay từ những thử nghiệm đầu tiên, hiện Đoàn trường đang chuyển đổi số trong nhiều hoạt động khác nhau, trong đó có học tập các bài lý luận chính trị từ hệ thống trực tuyến E-learning.
Nhiều sân chơi, phần mềm trong quản lý, phân tích chất lượng đoàn viên được Đoàn trường ứng dụng, đồng thời hỗ trợ và chuyển giao cho nhiều cơ sở Đoàn khác tại TP.HCM và cả các tỉnh.
Nổi bật nhất là chính các đoàn viên sinh viên đã nghiên cứu, chế tạo và chuyển giao công nghệ thùng phiếu gắn "mắt thần" đếm phiếu tự động được dùng tại Đại hội Đoàn trường và Đại hội Đoàn TP.HCM lần XI mới đây. Công nghệ này đã được chuyển giao cho nhiều đơn vị khác.
Đã ứng dụng công nghệ từ nhiều năm trước, song trong tình cảnh dịch bệnh kéo dài, Đoàn Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đầu tư nhiều hơn cho mảng này và phát huy hiệu quả khá rõ. Bí thư Đoàn trường Nguyễn Đình Hoàng Uyên nói việc ứng dụng các nền tảng công nghệ vào vận hành, quản lý các hoạt động Đoàn - Hội (văn phòng điện tử UEH Youth E-Office) giúp quản trị, vận hành không gian làm việc của Đoàn - Hội qua Microsoft Teams hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Bên cạnh đó, các bạn còn xây dựng quy trình bán tự động cho sinh viên tham gia hoạt động qua cổng giao dịch điện tử UEH, app UEH Student. Điều này tạo tiện lợi, tiết kiệm thời gian, đảm bảo tính chính xác cho sinh viên khi tiếp cận, đăng ký tham gia và ghi nhận việc tham gia các hoạt động của Đoàn - Hội trường. Chị Uyên nói sẵn sàng kết nối, chuyển giao cho các cơ sở Đoàn có nhu cầu.
Rèn kỹ năng, thêm sân chơi
Năm nay, giải thưởng Hồ Hảo Hớn được trao cho giải pháp "Trang bị kỹ năng cho thanh thiếu nhi qua các chương trình, học kỳ huấn luyện trong các đơn vị lực lượng vũ trang" do Ban Mặt trận - An ninh quốc phòng - Địa bàn dân cư (Thành Đoàn TP.HCM) cùng Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM thực hiện.
Các chương trình đã khởi động từ 2009, huấn luyện và trang bị kỹ năng cho các bạn nhỏ gắn với môi trường rèn luyện trong quân ngũ như học kỳ trong quân đội, học kỳ biên phòng, học kỳ công an phần nào tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của phụ huynh gửi con tham gia mỗi dịp hè. Cách làm này hiện được nhân rộng tại nhiều tỉnh thành khác và khá thu hút các bạn nhỏ.
Trong khi đó, Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM và Hãng phim Trẻ đã duy trì liên hoan phim sinh viên gần 10 năm qua, tổ chức 2 năm/lần. Qua năm lần diễn ra, sân chơi điện ảnh thú vị này ngày càng thu hút các bạn, xuất hiện nhiều tài năng sinh viên với tác phẩm tham gia tăng cả chất lượng và số lượng.
Đến nay, liên hoan đã mở rộng cho sinh viên cả nước cùng tranh tài. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh đã tài trợ và kết nối thêm các đơn vị khác để hỗ trợ về mặt chuyên môn cho thí sinh làm phim dự thi.
"Ngày của phở 12-12" nhận giải thưởng Hồ Hảo Hớn
"Ngày của phở 12-12" do báo Tuổi Trẻ khởi xướng, thực hiện cùng nhiều dự án hướng đến quảng bá ẩm thực Việt là một trong chín giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm nay. Chương trình đã tổ chức tour đưa đoàn đại sứ, phu nhân và các nhà ngoại giao về làng phở trăm tuổi Vân Cù (Nam Định) - nơi được xem là khai sinh ra phở - để tìm hiểu về trăm năm phở Việt, giao lưu cùng các bô lão nghề phở, nghe kể chuyện sáng tạo phở và đưa phở đi muôn nơi.
Ngoài ra còn có các chương trình "Bay cùng phở Việt" để du khách thưởng thức, mang phở Việt đi xa. Hay "Phở yêu thương" đến với các cháu bại não Nam Định, trẻ khó khăn Thanh Hóa, đến cùng người vô gia cư và những mảnh đời kém may mắn với những bát phở nóng.
Chương trình còn bình chọn top 10 thương hiệu phở được yêu thích và cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon" để khích lệ, tôn vinh những người có công trong việc quảng bá, nâng tầm phở Việt nói riêng, văn hóa ẩm thực Việt nói chung. Và với hành trình "Xe phở yêu thương", Tuổi Trẻ cùng các nhà hảo tâm đã tặng 5.300 suất phở đến nhiều bệnh viện của TP.HCM...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận