Nhiều doanh nghiệp lớn cho biết TP.HCM vẫn là lựa chọn hàng đầu để đầu tư, mở rộng nhưng cũng cần cải cách nhiều thủ tục và rất cần đội ngũ nhân lực chất lượng cho các ngành công nghệ cao.
Lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư
Con số mới nhất công bố cho thấy năm 2023, lần đầu tiên tổng vốn đầu tư rót vào các KCN ở TP.HCM (cấp mới và điều chỉnh) vượt 1 tỉ USD, đạt gần gấp đôi kế hoạch và tăng 84% so với năm 2022.
Trong đó có gần 223 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng hơn 13% so với năm 2022. TP.HCM có 16 dự án mới với vốn đầu tư đăng ký 63 triệu USD và 34 dự án điều chỉnh vốn với vốn tăng 160 triệu USD.
Còn với đầu tư trong nước, tổng vốn thu hút đầu tư đạt 18.531 tỉ đồng (tương đương 789 triệu USD), tăng 124% so với năm 2022. Đáng chú ý, riêng dự án của Viettel đầu tư vào huyện Củ Chi đã đạt 624 triệu USD.
Ông Trần Việt Hà - phó trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) - cho biết đây là năm đầu tiên thu hút đầu tư vào các KCN tăng đột biến khi mọi năm thu hút vốn đầu tư chỉ đạt 400 - 800 triệu USD.
Năm nay riêng dự án của Viettel về lĩnh vực trung tâm dữ liệu (Data center), công nghệ thông tin và chuyển đổi số đã chiếm lượng vốn lớn.
Trước đây, dự án của First Solar cũng đạt trên 1 tỉ USD (cả đầu tư đăng ký ban đầu và các lần tăng vốn) với tổng diện tích sử dụng đất lên đến 45ha, còn dự án của Viettel chỉ ngốn diện tích đất bằng 10%, khoảng 4ha đất, tại Củ Chi.
Trong khi đó, ông Hứa Quốc Hưng - trưởng ban Hepza - cho hay một tin mừng đối với việc thu hút đầu tư vào TP.HCM đó là dù quỹ đất giảm 68%, quỹ nhà xưởng cho thuê giảm 8,5% so với năm ngoái, song thu hút đầu tư lại đạt được những tín hiệu tích cực.
Ngoài ra suất đầu tư trên mỗi ha đất đã tăng lên, cụ thể là 8,1 triệu USD/ha bình quân, riêng các dự án đầu tư nước ngoài là gần 11,6 triệu USD/ha.
"Chúng ta đã có sự lựa chọn, chắt chiu hơn với các nhà đầu tư, với các ngành nghề thu hút vào TP.HCM trong khi quỹ đất càng ngày càng ít", ông Hưng nói.
Gỡ nhanh bài toán thiếu quỹ đất
Nhiều năm qua, một trong những điểm yếu trong thu hút đầu tư vào TP.HCM đó là thiếu quỹ đất, nhất là quỹ đất lớn, đất liền thửa để hút những dự án có quy mô lớn. Để giải quyết điểm nghẽn này, Thủ tướng đã chấp thuận bổ sung KCN Phạm Văn Hai I và II với quy mô 668ha vào quy hoạch phát triển các KCN TP.HCM.
Bên cạnh đó, Hepza cũng đề xuất đưa vào quy hoạch hàng ngàn ha quỹ đất cho KCN, nếu được thông qua thì đây là nguồn lực đất đai chuẩn bị cho giai đoạn 2024 và các năm tiếp theo để đón các "đại bàng".
Tuy nhiên, ông Hứa Quốc Hưng cho biết trước mắt phải tháo gỡ các khó khăn về quỹ đất hiện tại vì TP có gần 5.920ha đất trong các KCN, khu chế xuất được quy hoạch, hiện đang cho thuê khai thác khoảng 4.000ha.
"Còn lại quỹ đất đang bị vướng ở góc độ pháp lý, bồi thường nên nếu gỡ được, TP có ngay 1.900ha để thu hút đầu tư, chưa kể đến hai KCN Phạm Văn Hai hay 4.000 - 5.000ha đang xin bổ sung trong quy hoạch", ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, hiện có nhiều nhà đầu tư đang gặp khó khăn, thậm chí khiếu nại, khiếu kiện liên quan việc pháp lý chưa hoàn chỉnh ở các KCN. Hiện các KCN như Cát Lái, Hiệp Phước, Cơ khí ô tô... vẫn còn gặp khó liên quan đến pháp lý.
"Luật quy định bồi thường sạch sẽ 100%, TP hoặc là Sở Tài nguyên và Môi trường mới ký hợp đồng cho thuê đất, giao đất. Còn chỉ 1m² chưa bồi thường xong trong khi 99,9% đã bồi thường cũng không được giao đất, cho thuê đất.
Do đó có những khu hiện nay chỉ còn 2/70 mẫu chưa bồi thường nhưng không thể cho thuê 70 mẫu đó. Đây là điều doanh nghiệp vướng và đang kêu rất nhiều", ông Hưng cho hay.
Đối với pháp lý đất đai, ông Hưng cho biết đơn cử KCN Hiệp Phước đang thẩm định giá đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính, sau đó nhà đầu tư mới được cấp quyết định cho thuê đất, giao đất và doanh nghiệp trong KCN mới thực hiện được các quyền của mình từ xây dựng, thế chấp...
Theo ông Hưng, Luật Đất đai trải qua nhiều giai đoạn, có những vấn đề đúng với giai đoạn đó nhưng đến nay lại vướng hoặc có những vấn đề vướng mắc pháp lý trong giai đoạn trước chưa giải quyết xong dẫn đến hiện nay lại "mắc kẹt". "Chúng tôi đang bàn với TP và các sở ngành để tháo gỡ ngay các vướng mắc pháp lý trên để có quỹ đất liền phục vụ việc thu hút đầu tư", ông Hưng khẳng định.
Ngoài ra, ông Hưng cũng tiết lộ do đã nhiều năm TP không có KCN mới nào được bổ sung, nên khi có thông tin về hai KCN Phạm Văn Hai, rất nhiều nhà đầu tư hạ tầng muốn tham gia xây dựng KCN.
Tuy nhiên với các khu này, Hepza sẽ làm cẩn thận để có dự án chất lượng, sát thực tiễn và lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu.
"Nhân tài ở đâu thì chúng tôi ở đó"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Gaur Dattatreya - giám đốc điều hành của Bosch Global Software Technologies Việt Nam - cho rằng TP.HCM cần đào tạo và thu hút nhân tài nhiều nhất có thể, bởi nhân tài chính là động lực để các doanh nghiệp tầm cỡ thế giới muốn đầu tư và phát triển. Ông Gaur Dattatreya kể lại trước đây Bosch đã tìm kiếm và nghiên cứu rất nhiều địa điểm cũng như quốc gia khác nhau để mở rộng thêm trung tâm phần mềm.
"Chúng tôi đã có một nghiên cứu kỹ lưỡng, xem xét tám quốc gia khác nhau. Cuối cùng, chúng tôi nhận thấy Việt Nam là địa điểm tốt nhất. Ban đầu, chúng tôi đã dự định lựa chọn Hà Nội, nhưng khi lên kế hoạch chi tiết, chúng tôi chuyển trọng tâm sang TP.HCM", ông chia sẻ.
Lý do chọn TP.HCM, theo ông, là vì nơi đây có nền văn hóa sôi động và thân thiện với doanh nghiệp, cùng với khả năng tiếng Anh tốt hơn, khiến TP trở thành lựa chọn lý tưởng.
"Đối với chúng tôi, nhân tài là trên hết và nhân tài ở đâu thì chúng tôi ở đó. Và tôi nghĩ rằng chúng tôi đã lựa chọn đúng, chúng tôi đã thành công khi mở rộng trước tại TP.HCM và có kế hoạch tiếp tục mở rộng sang các khu vực khác", ông chia sẻ.
Tương tự, ông Kim Huat Ooi - phó chủ tịch phụ trách sản xuất, chuỗi cung ứng và vận hành, kiêm tổng giám đốc Công ty Intel Products Việt Nam (IPV) - cũng cho rằng nguồn nhân lực luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của mọi công ty.
Tuy nhiên, hiện nay TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung vẫn còn thiếu nguồn nhân lực kinh nghiệm chất lượng cao và sinh viên tốt nghiệp các khối ngành kỹ thuật - công nghệ.
Từ đó, ông Kim Huat Ooi đề nghị TP.HCM nên "Đầu tư vào phát triển nhân lực với các chương trình STEAM, tận dụng lợi thế của ba cụm trụ cột quan trọng của TP Thủ Đức gồm Khu công nghệ cao TP.HCM - Đại học Quốc gia - Khu công nghiệp Linh Trung và nên có chương trình phát triển đào tạo nhân lực 3-5 năm phục vụ ưu tiên cho ba trụ cột này".
"Nếu nhìn vào hệ thống giáo dục hiện nay của Việt Nam, các bạn có rất nhiều cử nhân nhưng những nhân sự ở cấp độ cao hơn như thạc sĩ hay tiến sĩ không nhiều. Lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) đòi hỏi rất nhiều kiến thức và kỹ năng cao hơn.
Nhưng đây lại là một cơ hội tốt, bởi vì dân số Việt Nam rất lớn. Chỉ cần một lượng lớn nhân sự tập trung vào lĩnh vực chuyên biệt cũng có thể mang đến lợi ích lớn cho quốc gia cũng như các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại đây", ông Ooi góp ý.
TP.HCM dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023 vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục tập trung nhiều vào các tỉnh, TP có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư như có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính...
Trong đó, 10 tỉnh thành dẫn đầu gồm TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai. Riêng 10 địa phương này đã chiếm tới 78,6% số dự án mới và 74,4% số vốn của cả nước trong năm 2023.
Đáng chú ý TP.HCM hai năm liên tiếp đứng ở vị trí "quán quân" thu hút FDI khi năm 2023 là địa phương thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 5,85 tỉ USD. Con số này chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Trần Văn Bích (trưởng phòng nghiên cứu phát triển kinh tế Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):
Yếu tố then chốt
Để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, TP.HCM cần thực hiện đồng loạt các giải pháp. Trong đó về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, TP cần xây dựng được nền hành chính ngang tầm với sự phát triển trong tình hình mới, chuyên nghiệp, hiệu quả, tin cậy đối với nhà đầu tư.
Cần đáp ứng các chuẩn mực để nhà đầu tư tiếp cận hiệu quả các nguồn lực theo cơ chế thị trường. Nhà đầu tư có thể cần dễ dàng tiếp cận nguồn lực đất đai, nguồn nhân lực, vốn đầu tư. Đây là yếu tố then chốt để thu hút các nhà đầu tư lớn tầm cỡ.
Về đất đai, TP cần nghiên cứu sử dụng quỹ đất của các cơ sở sản xuất công nghiệp di dời theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành để đầu tư phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch.
Để thu hút các dự án trên, TP cần quỹ đất lớn trên 100ha. Các khu chế xuất, KCN đang hoạt động hầu như không thể đáp ứng yêu cầu này. Do đó TP cần tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các KCN đã được quy hoạch nhưng chưa được đầu tư đưa vào khai thác.
Triển khai thực hiện đề án chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, KCN, khu chế xuất theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
Nghiên cứu quy hoạch mới một số KCN theo chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TP.HCM - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á.
Ưu tiên thu hút đầu tư lĩnh vực kinh tế số, công nghệ cao
Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép TP.HCM áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đột phá tạo cơ hội lớn để TP.HCM thu hút các nhà đầu tư với những dự án lớn, tầm cỡ.
Trong đó, nghị quyết xác định những ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP như đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỉ đồng trở lên.
TP cũng ưu tiên thu hút các nhà đầu tư lớn về các dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỉ đồng trở lên.
Cùng với hàng loạt ưu đãi, nếu thực hiện sớm và tốt các cơ chế chính sách, TP.HCM sẽ có cơ hội lớn đón các nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư.
Tại các chương trình gặp gỡ doanh nghiệp trong và ngoài nước, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay TP.HCM đang bước sang giai đoạn mới trong lĩnh vực thu hút đầu tư. TP kiên quyết không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường... Đồng thời, TP cũng sẽ áp dụng các tiêu chí đầu tư nước ngoài có chọn lọc.
Theo đó, không khuyến khích, không có ưu đãi cũng như sẽ xem xét rất kỹ về giấy phép cho những đầu tư sử dụng nhiều nguồn lực thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai. Ngược lại, TP ưu tiên cho các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng. Tập trung ưu tiên phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao.
Dù vậy, ông Mãi cũng nhìn nhận TP.HCM hiện đang thiếu quỹ đất công nghiệp để thu hút các dự án lớn, nhà đầu tư lớn cho các ngành nghề mới. Việc bổ sung quy hoạch KCN Phạm Văn Hai I, Phạm Văn Hai II cũng tạo điều kiện cho TP có đất phát triển các chuyên ngành như điện tử, y sinh, công nghiệp phụ trợ.
Mặt khác, theo ông Mãi, TP đã hoàn thiện và đang trình hồ sơ quy hoạch chung TP Thủ Đức trong tháng 4. Ngay sau khi được phê duyệt, TP sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào Thủ Đức để thực hiện quy hoạch này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận