UBND TP.HCM tổ chức họp báo trực tuyến về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2021 - Ảnh: T.THƯƠNG
Tại cuộc họp báo, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho rằng tổ chức thi THPT là công tác hằng năm của bộ, là kỳ thi quan trọng. Kết quả là tiêu chí để các trường đại học xét đầu vào.
"Năm nay, TP đang gặp một số tình hình khó khăn do dịch bệnh COVD-19, vì vậy lãnh đạo TP cân nhắc rất kỹ kế hoạch tham gia kỳ thi trong suốt thời gian qua. Từng ngày, từng ngày, chúng tôi đánh giá, rà soát phân tích tình hình và nắm nhu cầu của phụ huynh học sinh lớp 12, đối tượng dự thi.
Kế hoạch của Bộ GD-ĐT là thi làm 2 đợt. Đợt 1 trong ba ngày 6, 7, 8-7; đợt 2 chưa xác định được thời gian. Sáng hôm nay, trên những cân nhắc tính toán, lãnh đạo đã quyết định tổ chức kỳ thi" - ông Đức nói.
Thông tin cụ thể: Đợt 1 thi vào ngày 7 và 8-7 dành cho các thí sinh không ở những nơi bị phong tỏa, cách ly, không ở các địa phương có nguy cơ cao hoặc thuộc diện F0, F1, F2 và xét nghiệm âm tính trước khi thi.
Đợt 2 dành cho các thí sinh bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, không thể dự thi đợt 1. Thực hiện theo kế hoạch sẽ được thông báo.
Giải thích thêm những con số để TP xây dựng một kế hoạch chi tiết và cố gắng tốt nhất để kỳ thi diễn ra tốt đẹp, ông Đức cho biết TP.HCM có 89.275 thí sinh đăng ký dự thi; 4.134 phòng thi tại 155 điểm thi (mỗi điểm thi có ít nhất 2 phòng thi dự phòng; mỗi quận huyện có 1-3 điểm thi dự phòng); với 17.052 lãnh đạo, cán bộ, nhân viên coi thi; 1.710 lãnh đạo cán bộ chấm thi; 1.000 lãnh đạo cán bộ chấm phúc khảo; 406 người trong công tác thanh tra thi.
Biện pháp an toàn để kỳ thi diễn ra, theo ông Đức, toàn TP thực hiện đầy đủ nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, các biện pháp TP đưa ra; trước đó tổ chức tập huấn thi và tập huấn kỹ năng phòng chống dịch; tổ chức xét nghiệm nhanh, khẩn trương cho cán bộ, nhân viên, thí sinh tại các điểm thi.
Cụ thể việc tổ chức lấy mẫu ngày 2-7 chuẩn bị, ngày 3-7 thực hiện; không để ùn ứ, tụ tập đông người; Công an TP tăng cường lực lượng để đảm bảo an toàn cả trong lấy mẫu xét nghiệm lẫn ngày thi; Thành đoàn, Hội Sinh viên TP triển khai tiếp sức mùa thi, hỗ trợ khai báo y tế, 5K…
"Kế hoạch chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm trong ngày 2-7; thực hiện trong ngày 3-7 do ngành y tế chủ trì, phối hợp với ngành giáo dục địa phương. Trong đó các thí sinh không tham dự xét lấy mẫu coi như không dự kỳ thi trong ngày 6, 7, 8-7. Những thí sinh phải được xét nghiệm bắt buộc trước khi vào phòng thi" - ông Đức nhấn mạnh.
Giải thích việc lấy mẫu như thế nào cho an toàn, ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết: "Với thời điểm trong ngày 3-7, tổng số cán bộ, thí sinh, nhân viên phải xét nghiệm gần 120.000 người. Tất cả được lấy mẫu ở 155 điểm, tương đương số điểm thi và chia theo khung giờ.
Nơi lấy mẫu là UBND quận, huyện và sở chọn điểm khác đối với điểm thi. Tất nhiên nơi nào cũng được khử khuẩn để lấy mẫu và theo quy trình nghiêm ngặt của Bộ Y tế. Mỗi địa điểm có 500 người lấy mẫu/ngày; 1 giờ có vài chục người. Tính toán này dựa trên số giả định 100% đăng ký thi đợt 1".
Thông tin về số thí sinh nghi nhiễm COVID-19 trong họp báo, ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP - cho biết theo thống kê, có 200 thí sinh là F0, F1, F2; 991 em ở khu vực phong tỏa. Hiện nay chưa có điểm thi nào có giáo viên bị phong tỏa nên chưa điều động bổ sung.
Trả lời câu hỏi thí sinh tự do ở tỉnh dự thi thế nào, ông Hiếu cho rằng: "Thí sinh tự do ở TP đã nhận được số báo danh, ngày tập trung, sở sẽ liên lạc và lấy địa chỉ gửi thông tin đến các em. Các thí sinh tự do ở tỉnh phải có xét nghiệm COVID-19 âm tính của CDC ngay tỉnh mình và TP.HCM sẽ chấp nhận.
Nếu các em không dự xét nghiệm ở TP vào ngày 3-7 được thì phải có kết quả xét nghiệm âm tính để ngày 6-7 tập trung làm thủ tục dự thi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận