Như Tuổi Trẻ Online phản ánh: Từ ngày 1-4, 239 chiếc xe buýt mới (thuộc 16 tuyến xe buýt ở TP.HCM) chính thức đưa vào hoạt động, thay thế những chiếc xe cũ kỹ đã xuống cấp. Những chiếc xe buýt mới này được lắp thêm máy lạnh, camera an ninh, hệ thống loa báo trạm, hệ thống bán vé tự động…
Trước thông tin các chuyến buýt quen thuộc được thay mới, những người dân vốn coi xe buýt là phương tiện di chuyển thường xuyên đã phấn khởi hơn. Ai nấy đều hy vọng những chiếc xe buýt đã xuống cấp còn lại sẽ tiếp tục được thay mới để đem lại sự tiện nghi nhất.
Hy vọng tài xế không phóng nhanh, vượt ẩu, bỏ khách
Đó là nhận xét của bạn đọc Truungvuu75 khi nói về những tuyến buýt đổi mới này.
Đồng quan điểm với anh, bạn đọc Thy Anh cho rằng: “Người ngồi trải nghiệm xe mới thôi, còn người đi đường vẫn phải né những xe buýt này. Xe mới nhưng tài xế vẫn chạy xe như cũ thì không nên”.
Bạn đọc Minh kute góp thêm: “Quan trọng nhất vẫn là tài xế, thái độ phục vụ của nhân viên, đặc biệt hơn là quy hoạch lại các tuyến xe buýt, tuyến nào thiết yếu thì giữ lại, không thì bỏ chứ đường nào cũng có xe buýt không hẳn là tốt”.
"Hy vọng cách lái xe của các bác tài cũng được nâng cấp theo. Không lái nhanh, vượt ẩu để xe buýt là phương tiện công cộng được nhiều người chọn khi có nhu cầu cần đi lại" - bạn đọc Vũ Lê và Rich kỳ vọng.
Công khai giá hành lý, tích hợp vé với metro
"Xe buýt là phương tiện công cộng nên có chính sách về hành lý tương đương với xe liên tỉnh hoặc hành lý sân bay. Công khai mức giá hành lý ngoài vé để người dân đi xe buýt như xe trung chuyển ra bến", bạn đọc Ngô Tuấn Hiển góp ý.
Còn theo bạn đọc Seoul thì: "Nên cho phép dùng thẻ từ chung với metro hoặc giấy chuyển tuyến để người dùng có thể đổi tuyến 2 lần liên tiếp mà không mất thêm tiền".
Cùng ý kiến này, anh Sơn P. chia sẻ: “Có quy định là không được mang 2 hành lý lên xe buýt? Hồi cuối tháng 2, khi từ sân bay về nhà, tôi đi 2 chặng xe buýt, chặng từ sân bay ra bến trung chuyển Hàm Nghi, nhân viên các xe buýt này đều tính cước mỗi vali bằng 1 vé.
Khi tôi đi tuyến D4, người soát vé yêu cầu tôi ôm 1 hành lý (khá nặng), chỉ cho để 1 vali nhỏ xuống sàn nhưng lại không tính tiền hành lý. Thà tính tiền hành lý thì hợp lý hơn, đằng này bắt khách phải ôm gói hành lý nặng và cũng không cho để chồng lên nhau”.
Nhiều bạn đọc góp ý đề xuất “nên dựng khoảng cách giữa các trạm chờ đón xe gần thêm nữa. Hiện nay trạm này cách trạm kia khá xa, trời nắng, lối đi bộ thì nhấp nhô, bị lấn chiếm, đến được trạm chờ khá bất tiện".
"Cải thiện được những vấn đề này thì sẽ nhiều người chọn di chuyển bằng xe buýt”, bạn đọc Thanh kỳ vọng.
4 gợi ý để xe buýt "đẹp" hơn trong mắt người dân
1. Thường xuyên giám sát để đảm bảo chất lượng phục vụ hành khách và chất lượng xe.
2. Đưa ứng dụng công nghệ vào việc thanh toán vé ngay trên xe, tại các trạm đón khách để hành khách dễ dàng đón đúng chuyến lộ trình cần đón.
3. Chú trọng đến không gian các trạm dừng trả khách theo hướng xanh, sạch, tiện nghi (mái che mưa, nắng đủ rộng, thùng rác, băng ghế chờ). Bảng thông tin các lộ trình xe rõ ràng, chữ to, dễ đọc, ánh sáng đầy đủ, có chỗ cho người khuyết tật lên xuống dễ dàng, có lối đi riêng cho hành khách ra vô trạm dừng đón trả khách.
4. Có chế tài xử phạt các tài xế và chế độ thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống nhằm giảm thiểu tình trạng tài xế phóng nhanh, vượt ẩu, bỏ khách để đảm bảo giờ chuyến của nhà xe.
Ý kiến bạn đọc HÒA BÌNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận