Sở An toàn thực phẩm chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp, toàn diện về tổ chức, biên chế và hoạt động của UBND TP và chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương.
Việc thành lập cơ quan này được xem là bước tiếp nối của mô hình thí điểm và kéo dài thời gian thí điểm hoạt động Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM theo quyết định của Thủ tướng, cũng nhằm tháo gỡ những khó khăn và phát huy tối đa hiệu quả đạt được sau 6 năm thí điểm hoạt động của Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM.
Trước đó, ngày 24-6, Quốc hội đã ban hành nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Trong các cơ chế có chấp thuận cho TP được thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Với quy mô dân số hơn 10 triệu dân, nhu cầu về lương thực, thực phẩm rất lớn dẫn đến việc TP.HCM trở thành đầu mối lưu thông lượng lớn thực phẩm được sản xuất trong nước và nhập khẩu. Việc lập Sở An toàn thực phẩm là cấp thiết cho một đô thị đặc biệt như TP.HCM.
TP đã có hơn 6 năm thực hiện thí điểm hoạt động Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, từ tháng 12-2016. Nếu được thành lập, TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước có Sở An toàn thực phẩm.
Cơ cấu lại bộ máy hành chính TP Thủ Đức
Cũng tại kỳ họp, HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua nghị quyết về cơ cấu tổ chức các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức.
UBND TP Thủ Đức sẽ tổ chức lại 5 phòng chuyên môn, thành lập mới 3 phòng thuộc bộ máy hành chính, thí điểm thành lập 3 đơn vị sự nghiệp...
Xây Nhà văn hóa Thanh niên 21 tầng 2.240 tỉ đồng
Chiều 19-9, tại kỳ họp thứ 11, HĐND TP.HCM khóa X đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng Nhà văn hóa Thanh niên TP. Công trình sẽ được chuyển chủ đầu tư từ Thành đoàn TP.HCM sang Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.
Quy mô dự án cũng được điều chỉnh lên 21 tầng, 4 tầng hầm, chiều cao tối đa 82,5m. Dự án được điều chỉnh từ nhóm B thành nhóm A với tổng mức đầu tư tăng từ 799 tỉ lên 2.240 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ nay đến năm 2028.
HĐND TP.HCM cũng điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng Cung thiếu nhi TP. Diện tích sàn xây dựng được điều chỉnh từ 32.740m2 lên 38.012m2. Dự án cũng được chuyển từ nhóm B sang nhóm A với vốn đầu tư từ 516 tỉ đồng lên 1.125 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ nay đến năm 2028.
Cũng tại kỳ họp, HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua chủ trương đầu tư dự án tu bổ di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Nhà hát TP với 337 tỉ đồng, thực hiện từ nay đến năm 2026.
HĐND TP.HCM cũng thông qua chủ trương đầu tư dự án sửa chữa lớn Nhà hát Hòa Bình, quận 10 với tổng mức đầu tư 275 tỉ đồng, thực hiện từ nay đến năm 2025.
Cùng với đó là sữa chửa, cải tạo nhà thi đấu thể dục thể thao Phú Thọ với 229 tỉ đồng; cải tạo, sửa chữa sân vận động Hoa Lư với 93 tỉ đồng; bổ sung, cải tạo nghĩa trang TP (Lạc Cảnh) cùng hàng chục dự án khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận