TP.HCM tăng đường truyền và nhân lực để đáp ứng tất cả cuộc gọi cấp cứu của người dân - Ảnh: CTV
Chiều 28-7, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch. Tham dự cuộc họp có Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi.
Liên quan tổng đài 115, hiện nay người dân phản ánh có tình trạng nghẽn mạng. Ông Thắng cho biết tổng đài 115 đã nâng lên 14 đường truyền, có thể tiếp nhận 5.000 cuộc/ngày. Tuy nhiên, thời gian vừa rồi rơi vào đợt cao điểm gây khó khăn trong việc đáp ứng các cuộc gọi của người dân.
TP cũng đã chỉ đạo mở thêm tổng đài dã chiến tại công viên phần mềm Quang Trung với số đường truyền là 40 và có thể tăng lên 100 đường truyền; tăng cường thêm lực lượng.
"Thời gian tới, chúng tôi hy vọng tất cả các cuộc gọi đến tổng đài 115 sẽ được đáp ứng", ông nói.
Ông Nguyễn Hoài Nam - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết hiện nay Tổng đài 115 đã tăng thêm đường truyền và đội ngũ phục vụ công tác tiếp nhận thông tin của người dân. Ngoài xe cấp cứu cũng có thêm xe taxi để hỗ trợ cấp cứu.
Đồng thời TP cũng có khoảng 40 trạm cấp cứu vệ tinh ở các quận, huyện, do đó công tác điều phối hiện vẫn triển khai bình thường.
Theo ông Phan Công Bằng - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, ngay từ đầu thực hiện chỉ thị 16, sở đã phối hợp Mai Linh và Vinasun bố trí 400 xe bệnh nhân và các trường hợp đặc biệt.
Thời gian qua, các xe này đã hỗ trợ tích cực trong việc vận chuyển bệnh nhân từ nhà đến bệnh viện và ngược lại. Về xe taxi hỗ trợ cấp cứu đã thực hiện khoảng 200 xe để thực hiện nhiệm vụ.
Sau đó, Sở Giao thông vận tải cũng đã phối hợp với Sở Công thương và Sài Gòn Co.op bố trí thêm 250 xe để vận chuyển hàng hóa.
Vận hành trung tâm cấp cứu 115 tại trụ sở Công ty phần mềm Quang Trung
14h ngày 28-7, Trung tâm cấp cứu 115 chính thức vận hành tại trụ sở Công ty phần mềm Quang Trung (quận 12, TP.HCM) với sự hỗ trợ của 37 sinh viên tình nguyện trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Trung tâm cấp cứu 115 đang cấp tốc đào tạo cho 37 sinh viên tình nguyện trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - Ảnh: KIM ÚT
Bác sĩ Nguyễn Duy Long - giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM - cho biết trung tâm có 6 đường truyền, mỗi ngày tiếp nhận 1.200 cuộc gọi, trong đó số cuộc gọi có nội dung và cần xử lý chỉ chiếm 120 cuộc. Tuần qua, lưu lượng cuộc gọi đã tăng lên 5.000 cuộc/ngày.
Để giải quyết tình trạng nghẽn cuộc gọi, Trung tâm điều phối cấp cứu 115 sẽ được chuyển qua Khu phần mềm Quang Trung (Q.12) để có đủ điều kiện đáp ứng việc tăng quy mô tiếp nhận cuộc gọi. Theo ông Long, trung tâm đã tăng từ 6 lên 14 đường truyền và sẽ tiếp tục tăng quy mô tiếp lên 40 đường truyền. Nếu đủ nguồn nhân lực, trung tâm sẽ tiếp tục tăng quy mô tiếp nhận.
Ông Nguyễn Ngọc Hiển - phó trưởng phòng điều hành Trung tâm cấp cứu 115 - cho biết thời gian qua, nguồn nhân lực trung tâm bị suy giảm do một số nhân viên của trung tâm nằm trong diện bị phong tỏa, không thể đi làm, số còn lại phải tăng cường thời gian làm việc để đáp ứng nhu cầu của người dân. Chính vì thế, trung tâm đã vận động, huấn luyện 37 sinh viên trong hôm nay và tiếp tục tiếp nhận 63 bạn trong thời gian tới.
"Số sinh viên này sẽ được đào tạo cấp tốc cách phân loại cấp cứu và cách xử trí từng trường hợp, để tham gia vào hệ thống vận hành ngay trong hôm nay. Ngoài ra, trung tâm sẽ bố trí chỗ ăn ở, ngủ nghỉ của các bạn theo nguyên tắc 3 tại chỗ để thuận tiện cho việc công tác", ông Hiển nói.
3 mức độ cấp cứu bao gồm: Mức độ 1, bệnh nhân là các F0 hoặc các bệnh nhẹ khác nhưng không có triệu chứng, sức khỏe ổn định sẽ được trung tâm kết nối với y tế địa phương giải quyết.
Mức độ 2, bệnh nhân là các F0 có triệu chứng hoặc các bệnh khác nhưng mức độ chưa nghiêm trọng sẽ được trung tâm điều phối các taxi cấp cứu đến hỗ trợ.
Mức độ 3 các bệnh nhân là F0 có triệu chứng nặng hoặc các bệnh khác có chuyển biến xấu sẽ được trung tâm điều xe cấp cứu đến ngay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận