![TP.HCM: phủ kín mạng 5G trong năm 2025 - Ảnh 1. TP.HCM: phủ kín mạng 5G trong năm 2025 - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/10/chuyen-doi-so-tphcm-1739148513468498375406.jpg)
Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực tại TP.HCM - Ảnh: MỸ LÊ
Đó là những kế hoạch đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng số cũng như phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số mà TP.HCM sẽ thực hiện trong năm 2025 và những năm tới nhằm mục tiêu dẫn đầu cả nước về hiệu quả chuyển đổi số.
Nhắn tin cho chính quyền như nhắn cho người thân
Thay vì trước đây phải gọi điện thoại đến đúng số của cơ quan chức năng để phản ánh các sự việc quanh khu vực sinh sống, bà Thu Nga (quận Bình Thạnh) cho biết giờ chỉ cần mở app Công dân số, chụp hình và gửi.
"Mình không cần phải nhớ số điện thoại bấm gọi, chỉ cần mở app ra nhắn tin giống như chat với bạn bè, người thân là có thể phản ánh trực tiếp cho chính quyền, vô cùng tiện lợi và dễ thực hiện", bà Nga nhận xét.
Bà Nga cho biết nhiều bà con trong khu phố của bà cũng đều cài đặt app Công dân số và nhận thấy rất tiện lợi sau một thời gian sử dụng.
"Chúng tôi vừa có thể tra cứu các thông tin thời sự liên quan đến tình hình của TP, vừa nhận được các cảnh báo cần thiết. App rất tuyệt cho người dân ở TP.HCM", chị Hoài Ngọc (quận Phú Nhuận) chia sẻ.
Thành quả trên đến từ việc TP.HCM ra mắt app Công dân số để kết nối người dân và chính quyền từ tháng 11-2024. Đặc biệt từ sau lễ phát động "Hãy trở thành công dân số TP.HCM - Kết nối nhanh chóng giữa công dân và chính quyền" hồi đầu tháng 1-2024, số lượng người dân tải về và cài đặt ứng dụng tăng lên nhanh chóng.
Tính đến thời điểm này, app Công dân số đã thu hút hơn 180.000 lượt tải về từ các kho ứng dụng phổ biến trên smartphone.
Đây được xem là thành quả bước đầu đáng khích lệ của TP.
Công dân số là nền tảng kết nối công dân và chính quyền TP qua các chức năng như phản ánh kiến nghị, tra cứu thủ tục hành chính, lấy ý kiến người dân.
Đây cũng là ứng dụng thông minh cung cấp nhiều tiện ích cho người dân liên quan các lĩnh vực thiết thực với đời sống như y tế, giáo dục, giao thông...
Người dân cũng được cập nhật thông tin về các hoạt động, chủ trương, chính sách của TP; tin tức, thông báo, cảnh báo khẩn cấp... Tất cả qua tính năng tương tác "một chạm" trên ứng dụng.
"App Công dân số TP.HCM tập trung vào sự giao tiếp, kết nối giữa công dân và chính quyền, cho phép người dân gửi phản ánh, kiến nghị và góp ý, hiến kế về các vấn đề mà mình quan tâm;
Theo dõi tiến độ xử lý của cơ quan chức năng; cũng như tra cứu dịch vụ công; sau này sẽ thêm tính năng thực hiện dịch vụ công..." - bà Võ Thị Trung Trinh, giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM, chia sẻ với Tuổi Trẻ khi giới thiệu về ứng dụng mới.
Trước đó, trong cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM với các thành viên hội đồng quản lý, thành viên sáng lập, thành viên mạng lưới Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại TP.HCM (HCMC C4IR), ông Võ Văn Hoan, chủ tịch hội đồng quản lý HCMC C4IR, cho biết trong năm 2025 trung tâm sẽ thực hiện gần 20 hoạt động thúc đẩy phát triển mạnh mẽ TP.HCM như phủ kín mạng 5G toàn TP, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực vận tải hàng không, ứng dụng AI trong quản trị TP, xây dựng một khu công nghiệp sinh thái xanh và bền vững...
Số hóa đến tận ấp, khu phố
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Chung, phó giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM, cho biết trong năm 2025 trung tâm sẽ tập trung tham mưu và đề xuất TP triển khai, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng các nền tảng, ứng dụng mới phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và quản trị TP trên nền tảng số.
Cụ thể, TP sẽ tích hợp AI và nhiều nguồn dữ liệu giúp người dân khai thác, sử dụng hiệu quả ứng dụng Công dân số, cũng như hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM và các ứng dụng khác.
Thứ hai, TP sẽ đưa vào vận hành chính thức nền tảng hỗ trợ công tác quản lý, điều hành các khu phố, ấp nhằm cung cấp môi trường số hỗ trợ kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa người dân với chính quyền cơ sở.
Đặc biệt, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện hạ tầng số (bao gồm hạ tầng viễn thông - Internet, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng vật lý - số) đảm bảo yêu cầu dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, thông minh, xanh, an toàn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.
Ông Chung còn cho biết TP cũng sẽ triển khai nền tảng tích hợp có ứng dụng AI cho công tác theo dõi, giám sát, vận hành ổn định, liên tục, an toàn bảo mật trung tâm dữ liệu và các hệ thống dùng chung.
Trước đó, theo bảng xếp hạng Chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố, TP.HCM tiếp tục dẫn đầu trong chuyển đổi số quốc gia với nhiều thành quả nổi bật được ghi nhận.
Theo bảng xếp hạng, TP tiếp tục xếp hạng 1 về chỉ số phát triển hạ tầng số với hệ thống viễn thông, Internet băng rộng hiện đại, phủ sóng rộng khắp, đáp ứng tối đa nhu cầu kết nối, trao đổi thông tin của người dân và doanh nghiệp.
Việc triển khai IPv6 (giao thức liên mạng Internet thế hệ thứ 6), xây dựng mạng lưới cáp quang băng rộng, phủ sóng mạng di động đến 100% địa bàn, đồng thời thúc đẩy phát triển mạng 5G đã tạo nên một không gian số kết nối liền mạch, không giới hạn.
TP đã phát triển các nền tảng số lớn giúp tạo lập nền tảng dữ liệu liên thông, đồng bộ thống nhất.
Phát triển đồng bộ chính quyền số, kinh tế số và xã hội số
Với điểm số DTI tăng thêm 12% so với năm 2022, TP.HCM tiếp tục phát triển ấn tượng khi vươn lên vị trí thứ 2 trên cả nước về chỉ số chuyển đổi số trong năm 2023 (tăng thêm 1 bậc so với năm 2022).
Trong năm 2023, TP đã phát triển đồng bộ cả 3 trụ cột về hoạt động - gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số - với tỉ lệ giá trị tăng trung bình là 10% so với 2022.
TP.HCM tăng 4 hạng lên xếp thứ 2 cả nước về chính quyền số. TP có 1.054 dịch vụ công trực tuyến, 669 dịch vụ đạt mức toàn trình.
Kinh tế số của TP xếp thứ 2 cả nước trong năm 2023. TP đã thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong hoạt động bán buôn, bán lẻ, phát triển thương mại điện tử, kinh tế số các ngành logistic, du lịch số...
Về xã hội số, 100% người dân TP.HCM có danh tính số, tài khoản định danh điện tử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận