Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM vừa gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cùng các sở ngành liên quan góp ý về dự thảo quy định giảm hạn mức đất ở sử dụng trước 18-12-1980 và từ 18-12-1980 đến trước 15-10-1993 được Nhà nước công nhận.
Hiểu đúng về hạn mức
Theo ông Nguyễn Hải Long - cố vấn pháp lý của Công ty Luật TNHH AGL: "Hạn mức đất ở được công nhận không có nghĩa là người dân chỉ được Nhà nước công nhận được quyền sử dụng với diện tích đất ở tối đa với hạn mức đó.
Hạn mức đất ở chỉ có ý nghĩa về việc Nhà nước sẽ không buộc người dân phải đóng tiền sử dụng đất tương ứng với hạn mức đó trên tổng diện tích (người dân muốn) Nhà nước công nhận, theo quy định Luật đất đai.
Quy định hiện hành tại TP.HCM có hạn mức đất ở được công nhận tối đa là 300m2 đối với nông thôn, 250m2 đối với đô thị...".
Hạn mức đất ở được công nhận chủ yếu để tính tiền sử dụng đất khi hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất hoặc để tính tiền bồi thường, hỗ trợ về đất ở khi thu hồi đất.
Ví dụ, ông A ở quận Phú Nhuận có 500m2 đất nguồn gốc là đất nông nghiệp nhưng theo quá trình đô thị hóa ông A đã xây dựng nhà ở, sân, vườn, sử dụng ổn định từ 1980 hoặc trước 15-10-1993. Ông A muốn Nhà nước công nhận toàn bộ diện tích trên là loại đất ở.
Chiếu theo quy định hiện hành ở TP.HCM, quận Phú Nhuận được công nhận tối đa 160m2 (không phải đóng tiền sử dụng đất với diện tích này), diện tích còn lại là 340m2 (thực chất đã là nhà, sân, vườn...) phải đóng tiền chuyển mục đích sử dụng đất để được công nhận đất ở.
Theo dự thảo của Sở Tài nguyên - Môi trường, dự thảo hạn mức đất ở được công nhận sắp tới sẽ còn ba mức: 160m2, 200m2 và 250m2 (thay vì bốn mức như hiện tại).
Các địa phương như TP Thủ Đức, quận 7, 12, Bình Tân dự kiến giảm còn tối đa 160 m2/cá nhân (hiện tại là 200m2), các huyện không quá 250 m2/hộ (hiện tại là 300 m2/hộ)… (xem bảng biểu).
Vì sao cần điều chỉnh?
Lý giải về sự điều chỉnh quy định hạn mức trên tại dự thảo, Sở Tài nguyên - Môi trường cho rằng một số nơi như TP Thủ Đức, quận 7, Bình Tân có tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, phát triển về nhà ở tương tự các quận nội thành.
Nhu cầu sử dụng đất ở để xây dựng nhà ở rất cao nhưng quỹ đất ở chưa công nhận hiện nay còn lại thấp.
Trong khi các trường hợp sử dụng đất trước 15-10-1993 mà nay được công nhận quyền sử dụng đất ở thì không phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích đất ở trong hạn mức (Luật đất đai 2024 cũng duy trì quy định này).
Giám đốc công ty chuyên về pháp lý thủ tục đất đai dự thảo quy định giảm hạn mức đất ở được công nhận tại nhiều quận này xuống còn tối đa 160m2 so với hiện tại là 200m2 cũng phù hợp. Thực tế, diện tích đất do hộ gia đình/cá nhân sử dụng trước năm 1993 không còn đáng kể.
Theo thống kê 6 tháng năm 2024, nguồn thu từ đất đai tại TP.HCM đạt gần 11.000 tỉ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 4,1% tổng thu ngân sách thành phố.
Nguồn thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất, thuê đất, thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất cùng các khoản phí và lệ phí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận