Thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2018 tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Sở GD-ĐT TP sẽ giữ nguyên quan điểm ra đề thi tuyển sinh lớp 10 theo hướng đổi mới, học sinh phải hiểu bài và biết cách vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống thực tế chứ không học tủ, học vẹt như trước"
Ông Nguyễn Văn Hiếu
“Sở GD-ĐT TP.HCM đang nỗ lực hoàn thành các thủ tục còn lại để công bố vào chiều 4-7, sớm hơn dự kiến 6 ngày”, ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hiếu cho biết thêm: Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019 các trường THPT công lập trên địa bàn TP sẽ tuyển 68.690 học sinh trong khi số thí sinh dự thi là 86.881. Như vậy, sẽ có gần 20.000 học sinh không đậu lớp 10 công lập.
"TP.HCM đã và đang cố gắng xây dựng thêm trường lớp để đảm bảo đủ chỗ học cho con em, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập cũng tăng theo mỗi năm. Song song đó, số học sinh cũng tăng nhanh theo thời gian.
Ngoài ra, ngành GD-ĐT TP đã và đang nỗ lực thực hiện công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS", ông Hiếu nói.
* Cụ thể việc phân luồng này như thế nào, thưa ông?
- Lộ trình từ năm 2015 đến năm 2020 TP sẽ phấn đấu có 30% số học sinh tốt nghiệp THCS hoặc THPT sẽ học nghề tại các trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề. Do đó, TP sẽ giảm dần số học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 công lập từ nay cho đến năm 2020 để thực hiện công tác phân luồng.
Cũng cần nói thêm, trước khi xác định lộ trình phân luồng học sinh sau trung học, chúng tôi đã có một cuộc khảo sát và nhận thấy những học sinh yếu, trung bình khi vào học tiếp văn hóa ở bậc THPT là rất vất vả. Nhiều em không theo kịp chương trình, việc học tập trở thành áp lực nặng nề.
Ở những trường THPT có điểm chuẩn lớp 10 thấp, số học sinh thi lại, lưu ban, bỏ học khá cao.
* Thưa ông, dư luận cho rằng kỳ thi tuyển sinh lớp 10 thật ra là một kỳ thi chuyển cấp nhưng nó đã tạo ra sự căng thẳng không chỉ cho học sinh mà cả phụ huynh, giáo viên...
- Từ khi học sinh vào học lớp 1 đến lớp 9, các em không phải trải qua một kỳ thi nào để sắp xếp chỗ học. Vì đây là bậc học phổ cập (TP.HCM đã đạt chuẩn THCS mức độ 2), hiện tại hầu hết thanh thiếu niên từ 15-18 tuổi ở TP đều đã tốt nghiệp THCS.
Sau khi tốt nghiệp THCS - sau giai đoạn giáo dục cơ bản, học sinh sẽ có sự lựa chọn con đường học vấn tiếp theo của mình cho phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện của gia đình.
* Trên mạng xã hội đang bàn tán TP là khu vực có học sinh lớp 9 đạt học lực khá giỏi hơn 90% nhưng khi thi tuyển sinh lớp 10 thì hơn 50% học sinh của TP có điểm dưới trung bình môn toán...
- Không có địa phương nào đạt hơn 90% học sinh khá, giỏi cả. Với những báo cáo đã gửi lên có "số đẹp" như kể trên, tôi đã từng nhận định đánh giá học sinh như vậy là không thực chất và không chính xác, năm sau các trường và giáo viên phải rút kinh nghiệm.
Về việc hơn 50% thí sinh có điểm dưới trung bình môn toán, tôi khẳng định lại rằng: đề toán năm nay yêu cầu về học thuật không cao mà chỉ là những dạng toán yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tế.
Nhưng cũng cần thừa nhận tình trạng nhiều giáo viên vẫn chưa chịu đổi mới, vẫn dạy theo cách cũ, rập khuôn và máy móc nên khi học sinh gặp bài toán thực tế thì lúng túng, không làm được.
Mà đây không phải là năm đầu tiên đề thi toán đổi mới. Việc đưa bài toán thực tế vào đề thi sở đã thực hiện từng bước một từ ba năm nay. Việc này chúng tôi cũng đã tập huấn, đã thông báo rất kỹ trong các buổi họp chuyên môn.
Sau kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay, Sở GD-ĐT sẽ rà soát lại xem những địa phương nào có số học sinh bị điểm thấp nhiều thì sẽ trực tiếp tập huấn cho các địa phương đó, đồng thời cũng sẽ kiểm tra, thanh tra về kế hoạch dạy học để các giáo viên bắt buộc phải đổi mới phương pháp giảng dạy và cách đánh giá học sinh.
* Năm nay có đến gần 20.000 học sinh không đậu lớp 10 công lập, các em sẽ "đi đâu về đâu" khi mới 16 tuổi?
- Mục tiêu của kỳ thi là sắp xếp chỗ học lớp 10 một cách công khai, công bằng cho học sinh. Ngoài ra, kỳ thi còn là "thước đo" đánh giá chất lượng giáo dục của từng trường THCS, từng quận, huyện.
Học sinh rớt lớp 10 công lập không phải đã bị chặn đứng con đường học vấn. Các em có thể lựa chọn một trong những con đường khác như học tiếp bậc THPT ở các trường tư thục, học hệ bổ túc văn hóa ở các trung tâm giáo dục thường xuyên với số môn ít hơn ở trường THPT nhưng bằng tốt nghiệp THPT có giá trị như nhau, học nghề ở các trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tôi khuyên các em nên chọn đường học nghề. Vì theo quy định, học sinh mới tốt nghiệp THCS nếu học nghề sẽ được miễn học phí 100%. Sau khi tốt nghiệp trường nghề, các em có thể đi làm ngay để có thu nhập phụ giúp gia đình. Các em cũng có thể học liên thông lên bậc CĐ, ĐH sau khi đi làm.
Bên cạnh đó, tôi cũng được biết hiện nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp cũng cố gắng đổi mới trang thiết bị, nội dung và phương pháp đào tạo, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác quốc tế (với Singapore, Úc, Hàn Quốc, Cộng hòa Liên bang Đức...) để chuyển giao giáo trình, phương pháp đào tạo tiên tiến nhằm thực hiện đào tạo nghề theo yêu cầu và tiêu chí của doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận