UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn gửi các sở ban ngành và Thanh tra TP về phương án xử lý với hợp đồng dự án BOT đường nối Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng BOT đường nối Võ Văn Kiệt
Theo đó, UBND TP.HCM thống nhất đề nghị của nhóm công tác liên ngành và các sở ngành liên quan về chủ trương thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng BOT dự án trên.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP được giao phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các đơn vị liên quan rà soát hợp đồng BOT đã ký kết.
Đồng thời nghiên cứu quy định pháp luật liên quan và tình hình thực tế triển khai dự án; tham mưu, đề xuất về việc thanh toán các chi phí liên quan... đảm bảo hợp lý, hợp pháp khi thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng BOT. Kết quả rà soát báo cáo UBND TP và nhóm công tác liên ngành trước ngày 15-7.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan tham mưu, đề xuất và dự thảo công văn của UBND TP gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn thủ tục thực hiện đơn phương chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT. Việc này hoàn thành trước ngày 10-7.
UBND TP cũng giao Thanh tra TP chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, xem xét, có ý kiến đối với báo cáo tình hình chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT nhằm đảm bảo chặt chẽ, hạn chế thiếu sót các thủ tục, trách nhiệm (nếu có).
Trên cơ sở kết quả thực hiện các nội dung nêu trên, TP giao nhóm công tác liên ngành (do Sở Giao thông vận tải TP làm trưởng nhóm) tham mưu, đề xuất về đơn phương chấm dứt hợp đồng BOT dự án đã ký kết, hoàn thành trong tháng 7-2024.
Chậm dứt điểm hợp đồng vì nhà đầu tư thất lạc hồ sơ
Cách đây gần 9 năm, dự án BOT đường nối Võ Văn Kiệt được khởi công và có mốc hoàn thành vào năm 2017. Về quy mô, dự án dài khoảng 2,7km, tổng mức đầu tư 1.557 tỉ đồng. Dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (nhà đầu tư), Công ty TNHH MTV BOT TP.HCM - Trung Lương (doanh nghiệp dự án) triển khai.
Đến tháng 6-2018, nhà đầu tư đã dừng thi công. Công trường đình trệ từ đó đến nay khi tổng sản lượng xây lắp chỉ đạt khoảng 12% giá trị hợp đồng. Với việc vi phạm hợp đồng của nhà đầu tư, nhiều năm qua các sở ngành TP đã rà soát thủ tục để chấm dứt hợp đồng nhằm tìm phương án mới triển khai hoàn thành tuyến đường này.
Tháng 6-2024, nhóm công tác liên ngành (do Sở Giao thông vận tải TP làm trưởng nhóm) đã có báo cáo rà soát về tình hình dự án này. Theo đó, nhóm công tác và các đơn vị liên quan đã chủ động làm việc với nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án để rà soát hợp đồng BOT.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP cũng đã nhiều lần làm việc và có nhiều văn bản đề nghị đầu tư, doanh nghiệp dự án báo cáo tình hình thực hiện, pháp lý, hồ sơ đối với các khối lượng đã thực hiện.
Tuy nhiên, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án nhiều lần xin gia hạn, kéo dài thời gian thực hiện. Lý do chủ yếu là hồ sơ tài liệu bị thất lạc, các nhà thầu không đáp ứng đầy đủ các thông tin để lập hồ sơ quyết toán theo quy định.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng không thể hiện khả năng phối hợp thực hiện nhằm đạt được thỏa thuận về chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT đã ký kết. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc xử lý hợp đồng kéo dài và làm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện tiếp dự án.
Nhà đầu tư vi phạm hợp đồng tín dụng, ngân hàng cắt vốn
Theo báo cáo của nhóm công tác liên ngành TP, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án không thể cung cấp được hồ sơ tài liệu làm rõ, chứng minh về khả năng thu xếp vốn để thực hiện tiếp hợp đồng BOT đã ký kết và bảo lãnh thực hiện hợp đồng...
Tổ chức tín dụng duy nhất cho vay để thực hiện dự án là Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt vào năm 2021 cũng đã có văn bản nêu ý kiến không tiếp tục tài trợ vốn. Lý do vì doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư vi phạm hợp đồng tín dụng. Đồng thời công tác thi công đình trệ, kéo dài đã ảnh hưởng đến phương án tài chính, nguồn thu để trả nợ cho ngân hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận