Ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết đề án xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu giai đoạn đến năm 2025 và các năm tiếp theo vừa trình lấy ý kiến các sở, ngành và chuẩn bị trình UBND TP.HCM phê duyệt.
Điểm đặc biệt của đề án lần này là ngành y tế sẽ đề xuất hình thành ba cụm y tế, bao gồm Cụm Y tế trung tâm (các quận nội thành), Cụm Y tế Tân Kiên (Bình Chánh) và Cụm Y tế Thủ Đức (TP Thủ Đức).
Cụ thể, Cụm Y tế trung tâm bao gồm các bệnh viện hiện hữu ở khu vực nội thành.
Cụm Y tế Tân Kiên (Bình Chánh) hình thành từ lâu và hiện đã có Bệnh viện Nhi đồng TP, Truyền máu - Huyết Học và đang khởi công xây dựng Trường đại học Phạm Ngọc Thạch.
Ngoài ra, theo ông Thượng, cụm này còn 25ha, Sở Y tế vừa thống nhất với Sở Quy hoạch - Kiến trúc bố trí xây dựng các bệnh viện trong nội thành hiện đang quá tải như Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Mắt, Sản khoa, Trung tâm cấp cứu 115, Ngân hàng máu, Trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm, Trung tâm tầm soát bệnh bằng công nghệ cao.
Đáng chú ý, sẽ có một bệnh viện đa khoa sẽ được hình thành, giao cho Trường đại học Phạm Ngọc Thạch vận hành theo mô hình viện - trường. Đây là cụm đầu tiên của cả nước được quy hoạch diện tích rất lớn.
Vai trò của cụm này, ông Thượng nói trước mắt sẽ chăm sóc sức khỏe cho người dân khu vực Bình Chánh và về lâu dài còn "gánh" trách nhiệm vùng, tức vừa chăm sóc sức khỏe vừa chuyển giao chuyên môn kỹ thuật cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
"Và như vậy, thay vì người dân dồn vào trung tâm thì có thể đến đây khám chữa bệnh" - ông Thượng nhấn mạnh.
Đối với Cụm Y tế Thủ Đức (TP Thủ Đức), theo ông Thượng hiện đang phân bổ rải rác nhiều nơi và đang có sẵn một số bệnh viện hiện hữu, bao gồm Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, TP Thủ Đức, Lê Văn Thịnh, Lê Văn Việt và Ung bướu.
Ngoài ra, một số bệnh viện trong trung tâm đang quá tải sắp tới cũng sẽ được phân bổ vào Cụm Y tế Thủ Đức như chấn thương chỉnh hình, mắt, sản khoa… Cơ chế vận hành có thể đặt cơ sở vệ tinh hoặc thiết lập hẳn một bệnh viện độc lập.
Để phát triển cụm y tế này, UBND TP Thủ Đức cũng vừa làm việc với Sở Y tế, qua đó quyết định phân bổ quỹ đất nhiều nơi nhằm tăng cơ sở y tế cho địa phương. Cụm này sẽ phục vụ người dân khu vực lân cận và các tỉnh Đông Nam Bộ.
"Lãnh đạo UBND TP Thủ Đức rất quan tâm ủng hộ và hy vọng đầu năm 2024 sẽ khởi động cụm y tế này" - ông Thượng nhấn mạnh.
Ông Thượng cho rằng điều đặc biệt là cả ba cụm này đều có ba trường đại học chuyên ngành, gồm Trường đại học Phạm Ngọc Thạch ở Cụm Y tế Tân Kiên, Trường đại học Y Dược ở Cụm Y tế trung tâm và Khoa y của Đại học Quốc gia (sẽ phát triển thành Trường đại học Sức khỏe) ở Cụm Y tế Thủ Đức.
Theo ông, việc phân bố đào tạo như vậy không có nghĩa là khu trú, ngành y tế sẽ kêu gọi các trường đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao bằng cách liên kết với các trường đào tạo y khoa có uy tín trên thế giới.
Vì sao vẫn duy trì các bệnh viện khu vực trung tâm?
* Trước đây có quan điểm là kéo các cơ sở y tế ra ngoài vùng ven nhằm giảm lượng bệnh nhân gây quá tải về thăm khám và giao thông. Nhưng khi hình thành ba cụm, có thể hình dung nội thành vẫn phải cần cơ sở y tế?
- Ông Tăng Chí Thượng: "Thực tế cho thấy cụm nội thành không nên xây thêm bệnh viện nữa, nhưng vẫn phải tiếp tục đầu tư để nâng chất của bệnh viện hiện hữu. Bởi vì trách nhiệm của cụm trung tâm rất lớn, phải hỗ trợ cho hai cụm còn rất mới, đồng thời tiếp tục hỗ trợ cho các tỉnh khu vực phía Nam.
Do đó, phải tiếp tục đầu tư cho các bệnh viện trung tâm về phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất, chứ không nên xây thêm, dù đó là bệnh viện nhỏ. Và khi hai cụm kia phát triển thì khu vực trung tâm giãn ra, tự nhiên sẽ giảm tải rất nhiều".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận