Đề xuất này đang nhận được sự quan tâm lớn.
Nhu cầu đậu xe quá lớn
9h sáng 21-7, trên tuyến đường Thái Văn Lung (quận 1), ô tô đậu tràn lan chiếm 1/3 mặt đường khiến giao thông đi lại khó khăn. Gần đó, nhiều taxi đậu lại trên đường Lê Thánh Tôn, nhiều xe "chui" vào các con hẻm nhỏ.
Ngày 21-7, trên nhiều tuyến đường ở quận 1 như Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, Thái Văn Lung, Đinh Tiên Hoàng..., ô tô chiếm dụng lòng đường đậu xếp hàng dài.
"Tôi đi làm ở quận 1 và hay đi ô tô nhưng tìm chỗ gửi xe rất vất vả quá. Giờ cao điểm, hầu hết bãi xe (kể cả bãi xe của các trung tâm thương mại) cũng đều treo bảng "hết chỗ". Ở các tuyến đường đậu xe có thu phí cũng ít khi trống chỗ. Một số người chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm bãi xe thu phí bất hợp pháp.
Họ thu xe máy từ 5.000 - 10.000 đồng/lượt, ô tô từ 30.000 - 50.000 đồng/lượt. TP.HCM cần sớm bổ sung các điểm giữ xe trong trung tâm. Điều này góp phần giảm chiếm dụng, kéo giảm ùn tắc giao thông. Về lâu dài, các đơn vị phải phát triển xe công cộng, hạn chế xe cá nhân ra vào trung tâm TP.HCM", chị Huỳnh Thị Thanh có ý kiến.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, TP quản lý hơn 850.000 chiếc ôtô cùng hơn 7,8 triệu xe máy, chưa tính xe vãng lai. Hệ thống bến bãi ở TP hiện chỉ đạt khoảng 20% quy hoạch, thiếu hơn 900ha so với chỉ tiêu gần 1.200ha sau năm 2020.
Lợi thế của việc xây nhà xe cao tầng là chi phí đầu tư thấp, công nghệ quản lý đơn giản, thời gian thi công và lắp đặt, tháo dỡ ngắn (khoảng ba tháng). Bãi xe có diện tích nhỏ, có thời gian thu hồi vốn nhanh và chi phí bảo hành, bảo trì thấp.
Bốn nhà xe cao tầng dự kiến có gì?
Đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết hiện bốn khu đất có thể xây nhà xe cao tầng gồm một phần lòng đường Lê Lai (đoạn từ đường Phạm Hồng Thái đến đường Nguyễn Thị Nghĩa), một phần công viên Lê Văn Tám (trên đường Hai Bà Trưng), khu vực bến xe buýt Chợ Lớn và một phần lòng đường Hải Thượng Lãn Ông. Tổng diện tích các khu đất này dự kiến hơn 1.500m2, sức chứa khoảng 350 ô tô từ 9 chỗ trở xuống và 200 xe máy.
Có hai hình thức phổ biến xây dựng các nhà xe cao tầng: tự động hoàn toàn và bán tự động. Với hệ thống vận hành tự động hoàn toàn, người gửi xe thao tác qua bảng điều khiển để xác nhận gửi xe (thông tin gửi xe được cung cấp qua thẻ từ hoặc trên ứng dụng di động). Hệ thống sẽ tự động tiếp nhận xe.
Còn với hệ thống bán tự động, người gửi xe điều khiển xe chạy vào vị trí tiếp nhận xe, sau đó thao tác qua bảng điều khiển để xác nhận gửi xe. Hệ thống bán tự động có thể được cải tiến để đỗ xe máy.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, TS Võ Kim Cương, nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, đánh giá rằng nhà xe cao tầng lắp ghép chi phí thấp, dễ tháo lắp, khá phù hợp triển khai. Hiện nay các nhà để xe cao tầng dạng lắp ghép đã triển khai có hiệu quả tại TP.HCM (ở bến xe, sân bay và một số khu công nghiệp).
Tuy nhiên, TP.HCM nên cân nhắc lựa chọn vị trí ở những khu đất trống, ưu tiên bảo vệ diện tích công viên và hiện trạng công viên. Các đơn vị kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa đầu tư có quy định thời hạn.
TS Cương nhận định bốn nhà xe cao tầng này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu người dân. TP.HCM vẫn phải nghiên cứu làm bãi xe ngầm. Song song đó là phát triển hạ tầng, mạng lưới xe buýt và metro hướng tới hạn chế xe cá nhân vào trung tâm.
Giải pháp tốt ở những thành phố lớn
Ông Võ Thanh Hải, tổng giám đốc Công ty Total Parking (chuyên tư vấn, sản xuất các nhà xe cao tầng thông minh), cho biết hệ thống nhà xe cao tầng là giải pháp cho vấn đề quá tải về chỗ đậu xe ở các đô thị như TP.HCM, Hà Nội.
Chi phí để làm các nhà xe theo dạng này khá thấp và tự động hóa, tiện lợi đưa xe vào bãi. Hệ thống nhà xe tự động hóa 100% thì sẽ có robot kiểm tra và nâng hạ xe đến vị trị đậu phù hợp.
Còn đối với hệ thống bán tự động (Sở Giao thông vận tải TP.HCM và các đơn vị đang hướng tới), con người sẽ điều khiển để xe hạ hoặc nâng đến các vị trí cụ thể, phù hợp.
Vị trí "đắc địa" làm nhà giữ xe
Các vị trí được đề xuất làm bãi đậu xe đều khá thông thoáng, hai trong bốn vị trí đang được tổ chức làm nơi đậu xe có thu phí.
Vị trí thứ nhất rộng khoảng 384m2 là lòng đường Lê Lai (đoạn từ đường Phạm Hồng Thái đến đường Nguyễn Thị Nghĩa, quận 1). Điểm này còn nằm gần các tuyến đường lớn như Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thị Nghĩa, Cách Mạng Tháng Tám, Hàm Nghi và các chợ Bến Thành, ga ngầm metro số 1...
Vị trí thứ hai ở trước công viên Lê Văn Tám trên đường Hai Bà Trưng (đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Điện Biên Phủ). Theo Sở Giao thông vận tải, tại đây có thể xây bãi xe với 9 khối ô tô dạng xoay cao 21m, sức chứa 144 xe dưới 9 chỗ và rộng khoảng 427m2.
Vị trí thứ ba nằm ở lòng đường Hải Thượng Lãn Ông (gần chợ Kim Biên, quận 5), dự kiến phần đất rộng khoảng 468m2 sẽ là nơi xây dựng nhà xe cao tầng. Nơi này được đề xuất xây 6 khối ô tô cao 21m, sức chứa 94 xe dưới 9 chỗ.
Cách đó khoảng vài trăm mét là vị trí rộng khoảng 312m2 trong bến xe buýt Chợ Lớn (quận 5). Tại đây đề xuất xây 4 khối ô tô cao 21m, sức chứa 96 xe dưới 9 chỗ và 2 khối xe máy cao 21m, chứa hàng trăm xe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận