“Nghỉ bán vé số, may mà còn có những quán cơm phát từ thiện, tôi rất cảm ơn” - ông Trương Nhật Mạnh (Q.6) chia sẻ - Ảnh: LÝ NGUYÊN
Theo ông Tấn, hai đối tượng chính được nhận trợ cấp theo nghị quyết của HĐND TP là người lao động trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu công nghệ cao (KCNC).
Ngoài ra, giáo viên trường mầm non tư thục, học sinh nghỉ học, trường không thu học phí nên không có nguồn lực chi trả lương giáo viên nên TP cũng sẽ hỗ trợ 3 triệu đồng/3 tháng/người.
* Quy trình rà soát các đối tượng được hưởng trợ cấp này như thế nào, thưa ông?
- Sở LĐ-TB&XH đã yêu cầu UBND các quận huyện, ban quản lý các KCN, KCX, KCNC rà soát các cơ sở có trên địa bàn, xác định những lao động bị ngừng việc và mất việc, báo cáo số liệu cho sở. Những đối tượng này phải có tên trong danh sách nhận lương của các công ty đến thời điểm ngưng việc để tránh tình trạng lợi dụng chính sách.
Với các doanh nghiệp tại địa bàn các quận huyện thì UBND các quận huyện sẽ có trách nhiệm rà soát và báo cáo cho phòng LĐ-TB&XH.
Đồng thời phòng GD-ĐT các quận huyện cũng chịu trách nhiệm rà soát, tổng hợp danh sách giáo viên trường tư thục trên địa bàn. Sở sẽ tham mưu cho UBND TP làm việc với Sở Tài chính, dùng kinh phí TP chuyển về quận huyện để hỗ trợ người lao động.
* Hiện ước lượng số người được hỗ trợ là bao nhiêu, thưa ông?
- Sẽ có khoảng 600.000 lao động bị ngừng việc, mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp vì chưa chấm dứt hợp đồng lao động. Các đối tượng là giáo viên nhóm trẻ mầm non, mẫu giáo tư thục hiện nay trên địa bàn có khoảng 32.000 người.
* Còn kế hoạch mức hỗ trợ người bán vé số bị ảnh hưởng vì tạm ngưng phát hành xổ số như thế nào?
- Sở đang đề xuất UBND TP.HCM sử dụng quỹ vì người nghèo TP và tại các quận huyện để kịp thời giải quyết cho người bán vé số với mức 50.000 đồng/ngày/người trong 15 ngày. Tuy nhiên UBND TP sẽ có cuộc họp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM để đưa ra quyết định việc chi mức hỗ trợ.
Các quận huyện sẽ thống kê người bán vé số trên địa bàn qua các đại lý vé số, chủ nhà trọ. Người bán vé số dù có địa chỉ thường trú hay tạm trú có hoàn cảnh khó khăn đều được hỗ trợ. Qua khảo sát có khoảng 8.000 người.
Với người "buôn thúng bán bưng", sở đang nghiên cứu, lên phương án đề xuất UBND TP có chính sách cho họ.
Chính phủ có gói hỗ trợ an sinh xã hội là gói chung cho cả nước. Gói hỗ trợ của TP thể hiện sự quan tâm đến các lao động khó khăn trên tinh thần “nhường cơm sẻ áo”. Cho nên việc người dân có thể hưởng thêm một gói hỗ trợ nữa là hết sức bình thường.
Ông Lê Minh Tấn
Chị Nguyễn Thị Uyên (chủ hệ thống Trường mầm non Việt Đức, TP.HCM):
Các cô đang cần tiền trang trải cuộc sống
Tôi có 6 trường mầm non, rải rác ở nhiều quận huyện. Trường nào cũng khó khăn chung nhưng họ khó 1, tôi khó đến... 6. Tôi vẫn "gồng" giữ trường giữ lớp, chia sẻ với giáo viên trường mình. Được hỗ trợ, chưa bao giờ giáo viên tư thục được TP quan tâm thế này nên tôi mừng vô cùng.
Tuy nhiên tôi cũng có nguyện vọng, nếu hỗ trợ giáo viên mầm non tư thục thì TP lấy báo cáo từ phòng GD-ĐT để không có cô nào bị bỏ sót, bởi với nhóm nhà trẻ nhỏ, các cô không được đóng BHXH.
Nếu chỉ căn cứ vào số hợp đồng có đóng BHXH, không khéo các cô thuộc nhóm trẻ này lại rơi vào cảnh "lạc lõng". Hơn nữa, đang tình thế khó khăn, giáo viên chắc chắn muốn nhận sớm, nhận nhanh tiền mặt... để trang trải cuộc sống lúc cấp bách.
Anh Nguyễn Chí Thiện (công nhân một công ty may xuất khẩu tại KCX Tân Thuận, Q.7):
Cũng đỡ khổ!
Công ty tôi đang làm việc thông báo dự kiến khoảng nửa tháng tới sẽ giảm mạnh hoạt động sản xuất và chỉ cho công nhân làm 15 ngày/tháng và hưởng lương tương ứng. Nếu TP có hỗ trợ tiền cho các công nhân lao động tại doanh nghiệp trong KCX thì chúng tôi cũng đỡ khổ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận