Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân xem triển lãm robot MISA sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt - Ảnh: TỰ TRUNG
Đây là hội thảo lớn thứ hai trong năm về AI do UBND TP.HCM tổ chức, cho thấy sự quan tâm của thành phố đến xu hướng này.
"Sau hội thảo này, TP.HCM dự kiến ban hành một chương trình phát triển AI chi tiết. Nhìn chung, ứng dụng AI sẽ đi theo ba hướng chính: phục vụ hoạt động của doanh nghiệp, góp sức cho các công việc quản lý nhà nước và giúp cuộc sống người dân thuận tiện hơn" - ông Nguyễn Việt Dũng, giám đốc Sở KH-CN TP.HCM, cho biết.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ từ góc độ người làm khoa học, PGS.TS Trần Minh Triết - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng Việt Nam có tiềm năng về con người trong việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.
"Để thực hiện được điều này cần có chiến lược phát triển sâu rộng từ nhà nước và sự hợp tác giữa nhà nước, trường - viện nghiên cứu và doanh nghiệp" - ông Triết chia sẻ.
* Được biết, trong hội thảo này ông sẽ trình bày tham luận về "Phát triển AI lấy con người làm trung tâm". Vì sao ông đưa ra khái niệm này?
- Không chỉ riêng AI mà đích đến của mọi sự phát triển đều nhằm phục vụ con người. Với AI, xuất phát từ nhu cầu thực tế, các đề bài sẽ ra đời và thách thức nhà khoa học. Một khi họ đã tìm được những giải pháp, chúng chưa chắc thành công mà phải qua giai đoạn thử nghiệm cả về tính chính xác, hiệu quả và cả trải nghiệm người dùng, giúp cho giải pháp có thể được triển khai rộng rãi và được xã hội chấp nhận.
Ví dụ như trong việc thiết kế ngôi nhà thông minh, dù con người được thụ hưởng các điều kiện sống tốt hơn nhưng có thể con người chưa thật sự cảm thấy thoải mái, tự nhiên và có cảm giác bị theo dõi bằng công nghệ trong chính ngôi nhà của mình.
Các giải pháp chứa hàm lượng tri thức cao cũng tương tự các sản phẩm khác, đều trải qua các giai đoạn từ hình thành ý tưởng đến khi ra sản phẩm và cuối cùng được thị trường chấp nhận. Các giải pháp AI tích hợp nhiều tri thức của con người, nên mang kỳ vọng lớn hơn với mong muốn giải quyết được nhiều bài toán mới hơn và hiệu quả hơn.
PGS.TS Trần Minh Triết - Ảnh: TỰ TRUNG
* Dưới góc nhìn một nhà khoa học, theo ông, TP.HCM cần hỗ trợ những gì để phát triển nghiên cứu và ứng dụng AI?
- Khuynh hướng phổ biến hiện nay trong phát triển AI là dựa vào dữ liệu lớn. Trong cuộc sống dữ liệu rất nhiều, đa dạng và phong phú. Tuy nhiên dữ liệu này cần được xử lý, tổ chức, tinh chế thì mới có thể sử dụng cho việc phân tích và huấn luyện các hệ thống AI.
Do đó, để có thể xây dựng các ứng dụng thông minh tại thành phố, cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để hỗ trợ việc cung cấp các thông tin phù hợp.
Bên cạnh đó, TP.HCM nên tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ mọi người đề xuất các giải pháp, ý tưởng. Thành phố sẽ đặt ra những đề bài quan trọng, từ đó các trường, viện nghiên cứu, doanh nghiệp hay cá nhân có thể cùng tham gia đề xuất giải pháp. Khi đã có giải pháp, thành phố sẽ có những chính sách, giải pháp hỗ trợ để có thể triển khai trong thực tế.
Cuối cùng là sự tham gia của ba bên, bao gồm các cơ quan nhà nước với vai trò định hướng và liên kết, doanh nghiệp với những bài toán thực tế và nguồn kinh phí đầu tư, các chuyên gia với các kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực.
* Theo quan sát của ông, nhân lực Việt Nam hiện nay có đủ sức cho việc nghiên cứu và ứng dụng AI hay chưa?
- Tôi nghĩ rằng Việt Nam có tiềm năng, đặc biệt về nguồn nhân lực, để tham gia vào việc nghiên cứu và ứng dụng AI theo xu hướng chung trên thế giới.
Để phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực AI, có thể quan tâm xây dựng đội ngũ chuyên gia trên ba lĩnh vực: nhóm nghiên cứu các mô hình lý thuyết, nhóm phát triển giải pháp thông minh ứng dụng vào thực tế và nhóm triển khai những giải pháp này vào cuộc sống.
Theo đó, thành phố sẽ có chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn để đội ngũ có thể chuyên môn hóa, tạo cơ hội bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực chuyên môn và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, AI chỉ có thể được ứng dụng hiệu quả khi có sự kết hợp giữa các chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau, như trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ... Vì vậy, cần có sự gắn kết và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, các bài toán và giải pháp liên ngành để AI có thể thật sự phục vụ cuộc sống.
Xây dựng "Thị trấn tương lai"
Góp ý cho hội thảo, ĐH Quốc gia TP.HCM đề xuất thành phố chọn thí điểm xây dựng mô hình "Thị trấn tương lai" (Future town) tại khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM cùng với khu công nghệ cao, trong đó ứng dụng AI và công nghệ vào hầu hết hoạt động của thị trấn.
Theo đánh giá, khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM có tiềm năng cho việc quy hoạch và xây dựng mô hình "Thị trấn tương lai" do quy mô dân số vừa phải, người dân có trình độ phù hợp để tiếp cận với những tiến bộ khoa học và công nghệ, có đội ngũ các nhà nghiên cứu trình độ cao.
Ngoài ra, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đề nghị thành phố đầu tư một phòng thí nghiệm AI đặt tại ĐH này để nghiên cứu đỉnh cao ở tầm khu vực và thế giới trong các lĩnh vực AI như thị giác máy tính, máy học, điều khiển học thông minh...
Bên cạnh đó, phòng thí nghiệm sẽ đảm nhận nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng AI phục vụ các chương trình trọng điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại thành phố và khu vực.
Ông Dương Anh Đức (giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM):
"Cuộc chơi" bắt buộc
Phát triển AI đã được chú ý nhiều năm, nhưng trước đây phần mềm dường như "đi trước" phần cứng khi nhiều thuật toán không thể hiện thực hóa vì hệ thống máy tính còn khá yếu. Đến nay, điều kiện trong nước đã chín muồi trong khi thế giới cũng có nhiều bước tiến mới, AI tiếp tục được TP.HCM đẩy mạnh phát triển.
Đa số các nước chỉ đưa ra chiến lược phát triển AI trong khoảng hai năm nay do mọi thứ đều mới mẻ cho tất cả. Tuy nhiên, AI là "cuộc chơi" khá đắt đỏ, cần sự tham gia của cả nguồn lực con người lẫn kinh phí, trí tuệ kèm máy móc, nếu đầu tư sai sẽ gây lãng phí.
Dù thách thức nhưng đây là "cuộc chơi" bắt buộc phải theo, vì nếu không sẽ lạc hậu so với các quốc gia khác. Nếu nắm bắt được, thành phố sẽ có bước nhảy vọt và duy trì vai trò đầu tàu nền kinh tế cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận