Lãnh đạo TP.HCM nhận thức rất rõ việc này, đồng thời cũng đưa ra nhiều giải pháp nhưng theo các chuyên gia, những chuyển biến chưa thật sự đột phá.
Vài tháng lại ra văn bản "thúc" giải ngân đầu tư công
Hầu như chỉ vài tháng UBND TP.HCM lại ra văn bản "thúc" tiến độ giải ngân đầu tư công các dự án. 13 tổ công tác tháo gỡ khó khăn cũng được lập để giám sát tiến độ thực hiện của 38 dự án lớn, quan trọng. Nhưng thực tế cơ chế xử lý những chủ đầu tư, sở ngành - người trực tiếp thực thi, tham mưu các dự án - lại được cho là chưa đủ lực.
Chẳng hạn với dự án metro 2 Bến Thành - Tham Lương có tổng mức đầu tư 47.900 tỉ đồng, ban đầu tính hoàn thành năm 2016, sau đó dời sang năm 2030, nhưng hiện sau hơn 10 năm vẫn chưa khởi công vì mặt bằng phía quận 3 vẫn chưa được bàn giao. Lãi vay phát sinh của dự án này là 68 tỉ đồng/năm cùng với phí cam kết, trượt giá.
Báo cáo với UBND TP.HCM, chủ đầu tư của dự án là Ban quản lý đường sắt đô thị cho biết đến hiện tại các quận đã hoàn thành thủ tục bồi thường mặt bằng (trừ quận 3) và triển khai bàn giao mặt bằng đạt 86,69% (508/586 trường hợp). Việc này ảnh hưởng chung tiến độ của công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Theo quyết định điều chỉnh duyệt dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn quận 3 thì hiện nay quận chỉ còn khoảng 268 tỉ đồng cho phần tăng thêm. Nếu tiến độ tiếp tục chậm và tăng chi phí vượt số tiền nêu trên sẽ dẫn đến tổng mức đầu tư tăng lên, phải điều chỉnh dự án.
Những dự án lớn "đứng hình" đã vậy, các dự án nhỏ giải ngân cũng "đáng chê vì chậm", theo lời Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 21 vừa qua.
Ví dụ như dự án nâng cấp mở rộng đường Tên Lửa (đoạn từ đường số 29 đến tỉnh lộ 10) phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân được UBND TP đưa vào danh sách giải ngân chậm (0%) trong sáu tháng đầu năm 2023.
Dự án này do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư gồm cải tạo, xây dựng hệ thống cống thoát nước, cống ngang, đảm bảo thoát nước khu vực và thoát nước mặt đường. Tổng mức đầu tư 400 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2019 nhưng đến nay còn chưa chi trả xong tiền bồi thường.
Trăm "lý do" về tiến độ
Đại diện Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 3 cho biết vướng mắc của dự án metro số 2 chủ yếu bởi sự chênh lệch giá khi bồi thường, giải phóng mặt bằng. Theo đó, quận 3 thực hiện vào năm 2018, các quận khác làm sau 2-3 năm thì giá bồi thường đã cao hơn khiến người dân quận 3 không đồng tình khi trên cùng một dự án nhưng có nhiều mức bồi thường khác nhau.
Với vướng mắc này, UBND quận báo cáo UBND TP và TP cũng đã nắm và thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc của dự án. Tổ này đã họp rất nhiều lần và đề xuất hướng báo cáo với UBND TP xem xét quyết định.
Tuy nhiên trình tự thủ tục vẫn phải đúng theo quy định, phải lấy ý kiến tham mưu từ các sở ngành trình về để UBND TP ra quyết định cuối cùng. "Hiện nay có một số hộ dân nhận tiền và bàn giao mặt bằng nhưng cũng có một số hộ nhận tiền và vẫn chưa bàn giao", một thành viên tổ công tác chia sẻ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về con số giải ngân 0% trong báo cáo thống kê của UBND TP, đại diện Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân cho biết thực chất đó là tiến độ của gói thầu xây lắp do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư. Gói thầu này được phân bổ vốn năm 2023 là 40 tỉ đồng, dự kiến được triển khai vào 30-6 năm nay.
Trong công tác bồi thường, một phần hộ dân còn có ý kiến về giá, một phần còn liên quan đến hồ sơ pháp lý nên công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn gặp khó khăn, tiến độ giải ngân gói thầu trên những tháng đầu năm vẫn giậm chân ở 0%. Hiện quận đã chi trả bồi thường được 25/78 hộ, cam kết sẽ hoàn thành đúng tiến độ trong năm 2023.
Báo cáo gần đây của UBND TP.HCM gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình giải ngân đầu tư công thì đến ngày 17-8, tổng số vốn đầu tư công TP.HCM đã giải ngân là 19.133 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 27%.
Tháng 4-2023, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã phê bình 25 đơn vị chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Đồng thời đề nghị thủ trưởng các đơn vị làm chủ đầu tư có dự án chưa thực hiện giải ngân do nguyên nhân chủ quan tổ chức chấn chỉnh, rút kinh nghiệm. Báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nội vụ để làm cơ sở đánh giá kết quả thi đua quý 2-2023.
Cần có cơ chế xử lý trách nhiệm
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng TP.HCM cần phải có cơ chế xử lý đối với các cá nhân, đơn vị chưa làm đúng trách nhiệm, thẩm quyền của mình trong việc quản lý các dự án.
Việc điều chuyển vốn của dự án chậm trễ sang dự án khác đủ điều kiện triển khai cũng là một giải pháp, một hình thức đảm bảo dòng vốn. Tuy nhiên việc này chỉ phù hợp với các dự án không ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Còn nếu như dự án chống ngập hay cải tạo, sửa chữa đường sá, giải pháp đó chỉ để xử lý chủ đầu tư, còn người dân thì vẫn trong tình thế "thiệt thòi".
Theo ông Thịnh, hiện có nhiều dự án vướng mắc chỉ do một số quy trình thủ tục từ các sở ngành chậm trễ phê duyệt, thẩm định. Việc này trong vấn đề quản lý nhà nước không thể chấp nhận được vì sẽ sinh ra tâm lý và tiền lệ "ở đây chậm, chỗ khác cũng được chậm".
Theo ông Thịnh, đây cũng là một yếu tố để xem xét mức độ tín nhiệm đối với các lãnh đạo sở ngành địa phương vì dù trong bất kể vướng mắc gì thì trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị vẫn phải được đặt lên trên hết. Vướng mắc thuộc thẩm quyền phải giải quyết ngay, nếu vượt thì phải báo cáo ngay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận