Dự án Vệ sinh môi trường TP xây dựng tuyến cống bao có đường kính 3,2m đưa về nhà máy xử lý nước thải - Đây là dự án có tỉ lệ giải ngân đạt 36,9% - Ảnh: N.ẨN
Theo UBND TP.HCM, hiện nay TP đang triển khai 9 dự án vay vốn ODA nhưng phần lớn dự án có tỷ lệ giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2020 đều đạt thấp.
Trong đó có đến 7 dự án có tỉ lệ giải ngân dưới 30%. Có 2 dự án có tỉ lệ giải ngân từ 30- 50% là dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - kênh Tẻ (giai đoạn 2) vay vốn JICA (Nhật Bản) và dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 vay vốn Ngân hàng Thế giới.
Báo cáo với Bộ Kế hoạch và đầu tư về 9 dự án ODA, UBND TP.HCM cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài cho các dự án còn thấp.
Cụ thể là dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành (quận 1) - Suối Tiên (quận 9) và dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành - Tham Lương (quận 12) vừa mới được phê duyệt điều chỉnh dự án.
Kế hoạch lựa chọn nhà thầu cũng mới được phê duyệt điều chỉnh bổ sung nên đang trong giai đoạn tổ chức đấu thầu và có một số gói thầu phải tổ chức đấu thầu lại. Hoặc do giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng.
Đồng thời nguyên nhân giải ngân thấp là do ảnh hưởng của dịch COVID - 19 nên chưa thể hoàn tất các thủ tục cho các chuyên gia nước ngoài vào làm việc ở các dự án ODA tại TP.HCM.
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên có tỉ lệ giải ngân thấp một phần do các chuyên gia từ Nhật chưa thể trở lại Việt Nam vì dịch COVID - 19 - Ảnh: VĂN BÌNH
Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án ODA cũng như tranh thủ vận động nguồn vốn ODA từ các nhà tài trợ để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, giảm ùn tắc giao thông và ứng phó biến đổi khí hậu, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng xem xét giải quyết một số vướng mắc, khó khăn.
Cụ thể, TP.HCM kiến nghị chấp thuận giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương chưa giải ngân cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên là 17,8 tỉ yen Nhật.
Đồng thời giao Bộ Kế hoạch và đầu tư xem xét phân bổ tiếp vốn ODA cấp phát trong hạn mức vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 còn lại chưa bố trí cho dự án là 3.676,6 tỉ đồng.
UBND TP cũng kiến nghị Bộ Tài chính sớm bổ sung dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM và phần chi đầu tư phát triển từ nguồn bồi chi ngân sách địa phương, từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại để thực hiện các dự án để làm cơ sở giải ngân cho dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận