03/08/2024 18:48 GMT+7

TP.HCM: Người xin ăn vẫn 'bám trụ' tại nhiều ngả đường

Trong các đợt rà soát, kiểm tra thời gian qua, TP.HCM đã đưa gần 2.400 người lang thang, xin ăn vào cơ sở trợ giúp xã hội. Theo ghi nhận, tại các ngả đường vẫn xuất hiện người xin ăn.

TP.HCM: Người xin ăn vẫn 'bám trụ' tại nhiều ngả đường- Ảnh 1.

Một phụ nữ bồng em bé ngồi xin ăn trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, huyện Hóc Môn - Ảnh: XUÂN ĐOÀN

Tại các giao lộ lớn như nút giao An Phú trên đường Mai Chí Thọ, các giao lộ trên đường Võ Nguyên Giáp, xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng, ngã tư Bảy Hiền, ngã tư Bốn Xã, quốc lộ 22 (TP.HCM)... đa phần người xin ăn là những người đã lớn tuổi, người khuyết tật hoặc trẻ em từ 3-10 tuổi.

Không đành lòng nếu không cho tiền trẻ xin ăn

Vừa dừng xe chờ đèn đỏ tại nút giao An Phú trên đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức), có 2-3 trẻ em mặt nhem nhuốc, da ngăm đen, quần áo cũ kỹ từ trong vỉa hè bước ra xin tiền của người đi đường. Gần đó, có một người phụ nữ đang ngồi trong vỉa hè, tay bồng một đứa trẻ hơn 1 tuổi ngủ li bì.

Có em thì cầm lon sữa, có em cầm chiếc mũ lưỡi trai, có em tay không đi từng người này tới người khác để xin tiền. Hết đợt đèn đỏ, dòng xe chạy đi, các em lại bước lên vỉa hè đợi tốp người chờ đèn đỏ tiếp theo. 

Người đàn ông đi xin tiền trên đường Phạm Văn Đồng - Ảnh: XUÂN ĐOÀN

Người đàn ông đi xin tiền trên đường Phạm Văn Đồng - Ảnh: XUÂN ĐOÀN

Hoặc tại giao lộ Phạm Văn Đồng - Lê Quang Định, quận Gò Vấp có một người đàn ông khoảng ngoài 70 tuổi, đeo túi chéo, đợi những người chờ đèn đỏ ở đây rồi len lỏi trước đầu xe để xin tiền.

Ngoài ra có những phụ nữ bồng theo một em bé ra ngồi cả ngày ở các chốt đèn để người đi đường rủ lòng thương, cho tiền.

Chị Thúy Hằng (ngụ TP Thủ Đức) kể chiều chiều đi làm về trên xa lộ Hà Nội chị hay gặp các trẻ em xin ăn tại nút giao cầu vượt Cát Lái.

Nhìn nét mặt đáng thương của các em, thỉnh thoảng chị cũng cho 10.000 - 20.000 đồng. 

"Thật ra đôi lúc mình cũng nghĩ các em bị chăn dắt, lợi dụng. Nhưng không cho không đành lòng" - chị Hằng tâm sự.

Không phải ai cũng như chị Hằng, nhiều người cho rằng không nên cho tiền các em nhỏ ăn xin. Nếu cứ cho hoài thì những người chăn dắt sẽ thấy "hiệu quả" và sử dụng các em nhiều hơn. 

Nếu không cho, các em xin không được tiền rồi họ sẽ nản chí, lo mà đi làm ăn kiếm tiền chứ không phải ngày nào cũng mang trẻ em ra để lợi dụng lòng tốt của người đi đường.

Vừa bán vé số vừa xin tiền

Chiều 3-7, chúng tôi có mặt tại ngã tư Trung Chánh, huyện Hóc Môn. Đầu đường Nguyễn Ảnh Thủ, một người phụ nữ khoảng 35 tuổi ngồi ngay chốt đèn giao thông, tay phải bồng một đứa bé khoảng 1 tuổi đang ngủ say, tay trái cầm chiếc nón lá xin tiền người đi đường.

Thấy chúng tôi chụp hình, người này liền bỏ chiếc nón lá xuống đưa tay vào túi xách lấy ra một cọc vé số mời gọi người đi đường. Sau đó người này cất luôn cọc vé số, lấy một chiếc điện thoại ra ngồi lướt.

Khi chúng tôi vừa rời đi, người này cất điện thoại, tiếp tục cầm nón lá lên xin tiền. 

TP.HCM: Người xin ăn vẫn 'bám trụ' tại nhiều ngả đường- Ảnh 4.

Ba đứa trẻ, đứa bán vé số, đứa đi xin tiền ở ngã tư Trung Chánh, phía quận 12 - Ảnh: XUÂN ĐOÀN

Còn ở góc quốc lộ 22, có ba đứa trẻ, đứa nhỏ nhất khoảng 2 tuổi, đứa lớn nhất khoảng 6 tuổi vừa bán vé số, vừa cầm nón xin tiền người đi đường.

Một buổi chiều giữa tháng 7, chúng tôi bắt gặp một phụ nữ lớn tuổi ngồi ở giao lộ trước cổng Khu công nghệ cao (thuộc phường Linh Trung, TP Thủ Đức), tay cầm chiếc nón lá, bên cạnh có chiếc rổ nhựa đựng các gói bông ráy tai, tăm xỉa răng.

Một phụ nữ lớn tuổi xin tiền ở ngã ba cổng Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức - Ảnh: XUÂN ĐOÀN

Một phụ nữ lớn tuổi xin tiền ở ngã ba cổng Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức - Ảnh: XUÂN ĐOÀN

Bà cho biết mỗi buổi sáng thường ra các giao lộ để xin tiền của người dừng đèn đỏ, trưa thì có người ra chở về ăn cơm, chiều lại chở ra làm tiếp. Vừa bán vừa xin một ngày được 100.000 - 200.000 đồng. Nhưng đa số người ta cho tiền, chứ ít ai lấy bông ráy tai hoặc tăm xỉa răng.

TP.HCM đưa gần 2.400 người lang thang, xin ăn vào cơ sở trợ giúp xã hộiTP.HCM đưa gần 2.400 người lang thang, xin ăn vào cơ sở trợ giúp xã hội

Trong các đợt rà soát, kiểm tra thời gian qua, TP.HCM đã đưa gần 2.400 người lang thang, xin ăn vào cơ sở trợ giúp xã hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên