17/08/2018 15:49 GMT+7

TP.HCM ngột ngạt vì khí thải xe

M.P.
M.P.

TTO - TP.HCM có nguồn phát thải khí nhà kính tới 38,5 triệu tấn CO2, chiếm khoảng 16% lượng phát thải quốc gia. Trong đó, phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực giao thông chiếm 45%.

TP.HCM ngột ngạt vì khí thải xe - Ảnh 1.

Quá nhiều xe cá nhân không chỉ gây kẹt xe mà còn làm ô nhiễm môi trường - Ảnh: Q.ĐỊNH

Xe cộ chạy trên đường là nguồn phát thải khí nhà kính lớn - nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu. Do đó, kiểm soát và giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động giao thông là vấn đề cấp bách được TP.HCM quan tâm và triển khai nhiều giải pháp.

Xe cũ nát - thủ phạm gây ô nhiễm

Các tuyến đường Cộng Hòa, Trường Chinh, khu vực ngã tư An Sương (TP.HCM) có mật độ xe dày đặc, thường xuyên ùn ứ.

Chị Võ Thu Hồng (25 tuổi, ngụ quận Tân Bình), người hằng ngày phải đi làm ngang qua tuyến đường này, ngán ngẩm: "Giờ tan tầm xe cộ đông đúc nên phải nhích từng chút một. 

Trời nóng nực mà phải hít khói bụi từ xe cộ ken kít quanh mình khiến tôi mệt mỏi vô cùng. Khổ nhất là phải đi sau đuôi những chiếc xe buýt, ôtô cũ kỹ xả khói thải đen kịt".

Là người chạy xe ôm mưu sinh nhiều năm trên đường, ông Trần Đăng (45 tuổi) cho biết ông thường ho liên miên và nhiều lần bị viêm phổi. "Tôi nghĩ chắc do mình hít khói bụi ô nhiễm nhiều năm khi chạy xe trên đường" - ông Đăng nói.

Trong lưu thông, xe máy thải ra nhiều khí CO, xe tải và xe khách thải nhiều NO2 là những độc hại. Số liệu thống kê phương tiện xe cơ giới tại TP.HCM cho thấy năm 2010 có khoảng 4,5 triệu xe máy, 420.000 ôtô, nhưng đến năm 2017 đã tăng lên 7,5 triệu xe máy và 790.000 ôtô.

Dự đoán vào năm 2020 sẽ tăng lên 9 triệu xe máy và gần 800.000 ôtô. Với lượng xe cộ tham gia giao thông như vậy sẽ thải ra một lượng khí thải khổng lồ vào không khí.

Hơn nữa, có nhiều xe máy, ôtô qua nhiều năm sử dụng đã cũ kỹ, quá hạn sử dụng, các loại xe tự chế có hiệu suất đốt cháy nhiên liệu thấp thì nồng độ chất độc hại, bụi trong khí xả ra rất cao.

Triển khai nhiều giải pháp

Các chuyên gia y tế cho biết người dân hít phải lượng khói, bụi từ hoạt động của xe cộ về lâu dài có thể dẫn đến ung thư hoặc mắc phải những bệnh tật về đường hô hấp...

Đặc biệt, với người già, trẻ em đang mắc các bệnh hô hấp mãn tính như bệnh phổi tắc nghẽn, hen suyễn... khi hít phải nhiều khí thải độc hại từ xe cộ dễ có nguy cơ làm bệnh bùng phát, thậm chí tử vong do hẹp đường thở nếu không có thuốc cắt cơn hoặc đi cấp cứu kịp thời.

Vì vậy, giảm ô nhiễm không khí trong hoạt động giao thông là vấn đề cấp bách để bảo vệ môi trường.

TP đã đưa ra chỉ tiêu giảm 70% ô nhiễm không khí từ các hoạt động giao thông vận tải và Sở Giao thông vận tải TP chủ trì thực hiện đề án "Giảm thiểu 70% ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải giai đoạn 2016-2020".

Các giải pháp trọng tâm được đưa ra là đầu tư mới xe buýt đến năm 2020, kêu gọi các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vận tải hành khách sử dụng nhiên liệu sạch thay nhiên liệu xăng dầu, tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng.

Sở Giao thông vận tải TP đã triển khai đến các đơn vị tham gia đề án đầu tư thay thế 1.680 xe buýt (đề án 1680) sang sử dụng nhiên liệu sạch CNG. Tính đến tháng 11-2017, TP có 9 xe điện, 101 xe chạy khí CNG trong tổng số 2.595 xe buýt công cộng, đạt 4,24%.

Cùng đó, xây dựng lộ trình kiểm soát, quản lý khí thải phương tiện giao thông phù hợp với các mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường; triển khai các biện pháp hạn chế lưu thông đối với xe cá nhân; triển khai tổ chức kiểm định khí thải xe hai bánh khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ Giao thông vận tải.

Sở Giao thông vận tải TP tiếp tục thống kê số lượng xe máy qua sử dụng để xác định số xe không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, đề xuất biện pháp xử lý. Với các xe tự chế, xe không đăng ký... thì rà soát để ngưng hoạt động.

Phải nâng cao tiêu chuẩn kiểm soát khí thải ôtô

Theo tiến sĩ Phạm Sanh (chuyên gia giao thông), về lâu dài để không xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì phải xem xét nâng cao quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kiểm soát khí thải ôtô lên ngang bằng với các nước trên thế giới.

Đồng thời kiểm soát khí thải bắt buộc đối với môtô, xe máy; tập trung siết chặt việc kiểm tra, xử lý đối với ôtô cũ, xe buýt xả thải khói đen trên đường phố.

Song song đó là đầu tư hạ tầng, điều tiết giao thông để hạn chế kẹt xe. Các sở ngành liên quan cần tuyên truyền tắt máy khi chờ đèn đỏ hay lúc kẹt xe để tiết kiệm nhiên liệu và giảm ô nhiễm môi trường từ khí thải của xe cộ.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường TP cho biết đã phối hợp với các sở, ngành triển khai xây dựng "Đề án tính toán lượng ô nhiễm không khí hoạt động giao thông của TP.HCM".

Việc xây dựng đề án này nhằm có cơ sở khoa học đánh giá được kết quả thực hiện chỉ tiêu giảm 70% ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải và xây dựng kế hoạch hiệu quả thực hiện giai đoạn tiếp theo.

Từ 6-6, TP.HCM tăng cường đo khí thải của xe buýt, xe tải

TTO - Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết cơ quan chức năng đang tiến hành kế hoạch kiểm tra quy chuẩn khí thải đối với nhiều xe buýt, xe tải tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.

M.P.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên