Sáng 28-12, tại hội nghị báo cáo lần 3 - kỳ cuối, lấy ý kiến góp ý về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060, nhiều chuyên gia đã phân tích tầm quan trọng của sông Sài Gòn trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của TP.
Ông Trần Ngọc Chính - chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho rằng sông Sài Gòn là một tài sản thiên nhiên phú cho TP.HCM, tạo cho thành phố một vị thế rất khác so với các địa phương.
Nhiều chuyên gia, kiều bào nước ngoài khi nhìn về TP.HCM rất tâm đắc con sông Sài Gòn. Còn TP.HCM đang hưởng thụ tài nguyên nhưng chưa khai thác hiệu quả.
Tại dự thảo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, đơn vị tư vấn cũng xác định không gian dọc sông Sài Gòn là trọng tâm phát triển mang tính đột phá trong thế kỷ mới. Đồ án lấy không gian ven sông Sài Gòn làm mặt tiền cho đô thị, phát triển dải đô thị hai bên sông. Sông Sài Gòn trở thành trung tâm bản sắc văn hóa, giao lưu công cộng và là không gian kinh tế chủ đạo cho TP.
Đơn vị tư vấn đề ra 7 chiến lược phát triển không gian dọc sông Sài Gòn. Trong đó có chiến lược kết nối sông Sài Gòn với các vùng trọng điểm xanh sâu trong nội đô. Phát triển các tuyến buýt đường thủy, kết nối giao thông công cộng đường bộ, tuyến đi xe đạp, đường dạo dọc theo sông Sài Gòn và các tuyến rạch chính.
Bên cạnh đó, TP tổ chức các hoạt động vận tải trên sông nước; các hoạt động văn hóa nghệ thuật trên mặt nước để thu hút du khách. Tổ chức hoạt động cộng đồng, lễ hội văn hóa… trong các khu vực xanh, sinh thái lớn dọc sông.
Đơn vị tư vấn cũng đưa ra chiến lược bố trí trung tâm tài chính, trung tâm công nghệ thông tin, trung tâm sáng tạo nghệ thuật, các dịch vụ xã hội tầm cỡ quốc tế, trung tâm công nghệ cao, những nhà hàng khách sạn và hệ thống dịch vụ du lịch cao cấp nhất… dọc sông.
Đáng chú ý, đơn vị tư vấn đã quy hoạch mới tuyến đường ven sông từ Củ Chi đến cầu Cần Giờ với quy mô tối thiểu 4 làn xe, kết hợp làn đường riêng dành cho xe đạp và đường sắt đô thị nhẹ (tramway) từ trung tâm TP đi Củ Chi.
Về tuyến đường này, ông Phan Công Bằng - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết quan điểm của ngành giao thông TP.HCM là phải có đường ven sông kết nối đến tận Củ Chi và Tây Ninh. Đồng thời, nghiên cứu các tuyến tramway đến Củ Chi để phát triển khu vực này.
Còn thận trọng trong kết nối giao thông thủy trong vùng
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Nhã - giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP - cho rằng giao thông thủy của TP.HCM không chỉ có sông Sài Gòn mà còn kết nối nhánh sông Đồng Nai. Tuy nhiên quy hoạch hiện chưa mạnh dạn kết nối chức năng hai bên bờ tại khu vực này.
Ông cho rằng các đơn vị đang thận trọng quá trong vấn đề liên kết vùng trong giao thông thủy và đề nghị TP.HCM, đơn vị tư vấn mạnh dạn đưa ra các phương án kết nối với các địa phương có sông nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận