Ngày 12-9, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị báo cáo đầu kỳ về điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Hội nghị có sự tham gia và cho ý kiến của đông đảo lãnh đạo các sở ngành, các chuyên gia, nhà khoa học.
Nhìn nhận hội nghị lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ hội để TP kiến tạo nền tảng phát triển bền vững, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, các sở ngành, quận huyện đóng góp các ý kiến sâu sắc nhất. Từ đó TP.HCM sẽ lựa chọn những phương án quy hoạch tốt nhất để chuyển tải những định hướng phát triển mà Bộ Chính trị, Quốc hội… giao cho TP.HCM.
TOD là gì?
TOD (Transit Oriented Development) là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, tạo điều kiện cho việc gia tăng mật độ dân cư, phù hợp với những TP lớn.
Phát triển đô thị theo mô hình TOD
Theo ông Mãi, việc rà soát điều chỉnh quy hoạch lần này phải dựa trên quy hoạch năm 2010, tiếp thu những định hướng phát triển hiệu quả, nêu được thực trạng, nhu cầu phát triển của TP.HCM với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, đại diện Việt Nam hội nhập thế giới.
Trong đó, ông Phan Văn Mãi nhắc lại sứ mệnh mà Bộ Chính trị giao cho TP.HCM là đến năm 2030 phải là đô thị có vị trí nổi bật ở Đông Nam Á, năm 2045 phải là đô thị ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới.
Một trong những nhiệm vụ chính trong quy hoạch lần này là phát triển không gian đô thị gắn với phát triển hạ tầng giao thông công cộng - mô hình TOD.
"TOD phải làm đậm trong quy hoạch. Phân tích làm sao thời gian qua chúng ta chưa làm được TOD, không làm được đô thị đa trung tâm mà từ trung tâm lại lan ra như vết dầu loang lổ", ông Mãi nhìn nhận.
UBND TP.HCM đã đề nghị đơn vị tư vấn tập trung làm rõ mô hình đô thị đa trung tâm trong quy hoạch. Hiện TP Thủ Đức (TP.HCM) đã được định hướng là thành phố sáng tạo tương tác cao phía đông, còn những đô thị ở phía tây, bắc, nam sẽ phát triển như thế nào?
"Ngoài đô thị trung tâm hiện hữu này, cần hình dung chúng ta hình hành thêm 4-5 đô thị cấp 1 khác, dưới đó là các điểm dân cư đô thị hoặc các điểm dân cư nông thôn. Phải định hình rõ để tránh trường hợp ai có đất thì sẽ có nhà, có vườn", ông Mãi nói và cho biết đây là thực trạng mà lãnh đạo TP.HCM nhận thấy sau chuyến khảo sát quy hoạch bằng trực thăng vừa qua.
Việc này, theo ông, sẽ khiến đầu tư phát triển và sử dụng đất kém hiệu quả, gây hệ quả về vấn đề môi trường.
Phát triển hệ thống metro trong không gian vùng
Tại hội nghị, chủ tịch UBND TP.HCM nêu hiện TP có quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị với 220km. Tuyến 1 đã hoàn thành khoảng 20km, còn lại 200km phân bổ cho các tuyến còn lại.
"TP.HCM đang rà soát quy hoạch lại hệ thống metro này lên gấp đôi. Vậy Bình Dương, Đồng Nai… có tuyến metro không? Chúng ta có cần mạng lưới đường sắt đô thị của vùng không?", ông Mãi nói và đề nghị các chuyên gia, đại biểu dự hội nghị trao đổi làm rõ thêm.
Ngoài ra ông còn đề cập đến vấn đề môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu để các chuyên gia nghiên cứu, góp ý cho quy hoạch. TP.HCM phải có giải pháp giải quyết những vấn đề môi trường bằng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số…
Ông Mãi cũng cho rằng phải định hướng lại quy mô dân số để tái cấu trúc mô hình đô thị.
Nghiên cứu những vấn đề mới, hiệu quả
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị các sở ngành, quận huyện trao đổi với đơn vị tư vấn, các chuyên gia để nêu được ý tưởng phát triển đến năm 2030, năm 2045. Từ đó, đơn vị tư vấn sẽ lựa chọn, sắp xếp, có định hướng xây dựng quy hoạch chung hiệu quả.
Ông Mãi cho biết Thủ tướng đã giao các đầu bài cho TP trong quy hoạch. Tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu, nếu thấy những vấn đề mới hơn, tốt hơn thì nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để đề xuất thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận