06/09/2021 19:20 GMT+7

TP.HCM: Nâng cấp đường truyền để tránh nghẽn mạng khi học trực tuyến

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - 'Ngay khi nắm được thông tin các trường bị nghẽn mạng khi dạy học trực tuyến trong sáng 6-9, Sở GD-ĐT TP.HCM đã trao đổi với Công viên phần mềm Quang Trung, nâng cấp dữ liệu đường truyền lên 50%'

TP.HCM: Nâng cấp đường truyền để tránh nghẽn mạng khi học trực tuyến - Ảnh 1.

Em Nguyễn Hoàng Mỹ An - lớp 8/2 Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM - đang trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022 chiều 4-9 - Ảnh: ANH VŨ

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - tại buổi tọa đàm trực tuyến "Năm học mới trong đại dịch" do báo Người Lao Động tổ chức chiều 6-9. 

Ông Hiếu cho biết: "Sáng 6-9, cả triệu học sinh cùng vào học trực tuyến nên đây là tình huống chúng tôi đã lường trước và khắc phục ngay. Khi sự cố quá tải đường truyền xảy ra, Sở GD-ĐT TP đã trao đổi với Công viên phần mềm Quang Trung, nâng cấp dữ liệu đường truyền lên 50%".

Cũng theo ông Hiếu, sắp tới, sở sẽ tiếp tục làm việc với Sở Thông tin và truyền thông để nâng cấp đường truyền. Hiện nay mỗi trường học đều có hai đường truyền khác nhau, nên nếu một đường truyền gặp sự cố, sẽ có đường truyền còn lại. 

"Trên thực tế, không phải ngày nào học sinh cũng học trực tuyến, mà phải dành thời gian để tự học. Chúng tôi đã chỉ đạo các trường thực hiện tiết học trực tuyến cô đọng, chứ không như tiết dạy trực tiếp trên lớp" - ông Hiếu nói. 

Trong sáng 6-9, rất nhiều học sinh và giáo viên ở TP.HCM phản ánh rằng họ không thể vào lớp học ảo, một số người vào được thì chỉ một thời gian ngắn là bị "văng" ra khiến tiết học bị gián đoạn, không hiệu quả. 

Cũng tại buổi tọa đàm, khi được hỏi về những khó khăn và giải pháp khắc phục khi triển khai chương trình lớp 2, lớp 6 mới trong điều kiện dịch bệnh như hiện tại, PGS Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT - cho hay: "Khi thực hiện chương trình mới, có những khó khăn nhất định do thầy cô, học sinh có một số điều còn bỡ ngỡ. Các thầy cô phải hướng dẫn học sinh tự học cao hơn, thiết kế bài dạy kỹ lưỡng hơn". 

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, dạy trực tiếp đã vất vả, giờ lại chuyển đổi sang trao đổi trực tuyến thầy cô sẽ khó khăn hơn và phải trao đổi nhiều hơn. 

"Rõ ràng việc ngồi trước máy tính giảng bài khác hẳn so với việc các thầy cô dạy 40 học sinh trong lớp. Nếu như trước đây, giáo viên dạy kiến thức mang tính cung cấp cái có sẵn, thì khi thực hiện chương trình phát triển năng lực, giáo viên giao cho học sinh tự tìm hiểu kiến thức bằng hoạt động kiến tạo, khám phá. Thông qua đó sẽ đạt được mục tiêu kép là vừa có được kiến thức, khoa học và cách để tự mình chiếm lĩnh kiến thức ấy, giúp phát triển các phẩm chất và năng lực tương ứng" - ông Thành nhấn mạnh. 

Cũng theo ông Thành, trong thông tư 09 về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến, Bộ GD-ĐT đã quy định rất rõ các điều kiện về dạy học trực tuyến, tổ chức giờ học trực tuyến để giảng bài và hướng dẫn học sinh học tập, đánh giá kết quả học tập của học sinh… cũng như các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong dạy học trực tuyến. 

Trong trường hợp học sinh không thể đến trường tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ sẽ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. 

Toát mồ hôi vì máy quay mòng mòng trong ngày đầu học trực tuyến Toát mồ hôi vì máy quay mòng mòng trong ngày đầu học trực tuyến

TTO - Sáng 6-9, ngày đầu tiên gần 700.000 học sinh lớp 6 đến lớp 12 ở TP.HCM học trực tuyến chương trình năm học mới 2021-2022. Nhiều giáo viên và học sinh cho biết họ không thể vào được lớp học do máy cứ quay mòng mòng.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên