Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và đại biểu tại Hội nghị Thành ủy sáng 30-3 - Ảnh: TỰ TRUNG
Hội nghị Thành ủy lần này ngoài nhiệm vụ tổng kết tình hình kinh tế - xã hội quý 1, các đại biểu còn tập trung thảo luận về công việc trong hai năm tới, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, những chỉ số kinh tế - xã hội quý 1 tương đối ổn nhưng cũng có nhiều dấu hiệu phải suy nghĩ.
Nhiều chỉ tiêu khó đạt
Do tính toán theo chỉ tiêu cũ, dân số lại tăng cao hơn so với dự báo trước đó nên chỉ tiêu về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người của TP.HCM có thể không đạt. Báo cáo nội dung này, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết trong 13 chỉ tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ, hầu hết đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu.
Chỉ có một chỉ tiêu không hoàn thành là GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020. Năm 2016 con số này là hơn 5.400 USD, tới năm 2018 đạt hơn 6.000 USD. Năm 2020 ước đạt 7.500 USD, không thể đạt mục tiêu 9.800 USD.
Chương trình giảm ô nhiễm môi trường có chỉ tiêu 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường cũng khó đạt được, bởi hiện nay tỉ lệ này mới đạt 21,2%.
Dự kiến đến năm 2020, khi Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 2 và dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2 hoàn thành đưa vào sử dụng, con số này sẽ được nâng lên, đạt khoảng 30%. Ngoài ra, chỉ tiêu giảm thiểu 90% lượng chất ô nhiễm vượt chuẩn thải vào nguồn nước mặt cũng khó hoàn thành vào năm 2020.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nêu một thực tế "chưa thể yên tâm" là việc đầu tư cho sản xuất nhìn chung rất ít. Ông nói thu hút đầu tư quý 1 đạt 214.000 tỉ đồng tương đối khá, nhưng 30% số đó chảy vào bất động sản.
Tương tự, đầu tư nước ngoài tăng 20% so với cùng kỳ 2018 cũng rất khá, nhưng đầu tư vào bất động sản chiếm 53%, đầu tư cho chế biến chế tạo chỉ 8%, tương đương 125 triệu USD, con số rất nhỏ.
"Sao họ không đầu tư vào sản xuất?" - ông Nhân đặt câu hỏi và kể một câu chuyện: Một công ty của Đức xin khoảng 7ha đất, dự kiến đầu tư 200 triệu USD, sử dụng 3.000-4.000 lao động, xuất khẩu 800 triệu - 1 tỉ USD/năm.
Với quy mô trung bình mỗi dự án đầu tư nước ngoài vào TP.HCM hiện chỉ chừng 2 triệu USD thì quy mô dự án như trên khá lớn, nhưng có sẵn 7ha đất như yêu cầu của nhà đầu tư cũng là việc mà TP phải sẵn sàng.
"TP phải có chương trình kêu gọi các doanh nghiệp lớn thôi. Các doanh nghiệp "đại bàng" chắc mình phải tới "tổ" mời họ về, chứ ngồi đợi họ không đến đâu" - bí thư nói.
Thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt là một trong những chỉ tiêu mà TP.HCM không thể đạt được vào cuối nhiệm kỳ. Trong ảnh: nước thải chưa qua xử lý được xả thẳng ra rạch Xuyên Tâm (Q.Bình Thạnh) - Ảnh: TỰ TRUNG
Đi chào mời, không ngồi chờ
Cách mời gọi những nhà đầu tư lớn, theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân là TP phải xác định 10-15 nhà đầu tư lớn ở mỗi lĩnh vực, cử đoàn đến nước họ để gặp gỡ, chào hàng. Trong số đó mà chỉ cần 3-5 người tới đã là mừng rồi.
"Phải đi chào hàng cụ thể, chứ không thể ngồi chờ họ đến được. Những năm vừa rồi bình quân chỉ 2-3 triệu đô một dự án, không lớn được" - bí thư Thành ủy bày tỏ băn khoăn.
Ông lấy ví dụ như Intel tới Việt Nam và tạo ra giá trị lớn, thực ra ban đầu chính quyền đã phải chủ động mời gọi, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để họ chọn Việt Nam làm nơi đầu tư.
Để tạo điều kiện, mời gọi doanh nghiệp tham gia các dự án lớn của TP, ông Nhân cũng gợi ý một cách làm của Hà Lan mà ông cho rằng rất nên học tập. Cụ thể, để chống ngập, người Hà Lan làm tốt mà không ảnh hưởng đến chi ngân sách.
Họ làm các công trình nhiều tác dụng, làm con đê không chỉ để chống ngập mà còn phải là đường đi, kết hợp nhà ga, đường tàu... Khi thấy có thể kinh doanh được, mang về lợi nhuận thì doanh nghiệp sẵn sàng tham gia ngay cùng với nhà nước.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói: "Tới đây không dùng ngân sách chi cho những công trình công cộng chỉ có một mục đích, mà phải thiết kế công trình công cộng để có nhiều tác dụng. Như cải tạo kênh rạch, nếu dành một quỹ đất ngay sát đó để doanh nghiệp làm ăn thì họ sẵn sàng bỏ tiền cải tạo kênh rạch và kè bờ sông. Tôi thấy cách làm này của Hà Lan rất hay".
Ông Tất Thành Cang nhận nhiệm vụ mới
Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết ông Tất Thành Cang - thành ủy viên - đã nhận quyết định giữ chức vụ phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo công trình "Lịch sử TP.HCM". Trước đó, ông Cang bị kỷ luật, cách chức ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận