30/06/2018 16:16 GMT+7

TP.HCM muốn thống nhất đầu mối quản lý đất công

DƯƠNG NGỌC HÀ
DƯƠNG NGỌC HÀ

TTO - Thống nhất đầu mối quản lý nhà, đất công, quản lý chặt chẽ quỹ đất làm BT chặt chẽ hơn... là những giải pháp do UBND TP.HCM đưa ra tại buổi giám sát của Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP.HCM về hiệu quả sử dụng đất công sáng 30-6.

TP.HCM muốn thống nhất đầu mối quản lý đất công - Ảnh 1.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM giải trình với HĐND TP tại buổi giám sát - Ảnh TỰ TRUNG

Tại buổi giám sát, các đại biểu đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến nhà, đất công như cho thuê rẻ, nhà tái định cư dôi dư, đất công để trống, định giá đất chậm, chưa vốn hóa được nguồn nhà, đất trong dân để phát triển kinh tế...

Làm lại quy trình BT

Ông Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng giải quyết vấn đề nhà, đất công của TP cần đúng thực chất để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. 

Chính quyền TP phải thẳng thắn nhìn nhận để sửa và hướng đến tương lai tốt hơn, không phải vì những yếu kém, sai phạm mà không dám sửa. Nếu không sửa thì cuộc sống của người dân sẽ rất khó khăn và doanh nghiệp khó phát triển.

Đối với doanh nghiệp, đất là nguồn lực quyết định trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu giao đất không đúng đối tượng sẽ gây lãng phí, không sử dụng đất cũng là thất thoát.

Đối với chính quyền TP, đất là nguồn vốn. Xác định rõ ràng, quản lý các loại đất và mục đích sử dụng. Đất nào thành nguồn vốn để TP xây dựng các cơ sở hạ tầng.

Ông Tuyến thừa nhận đất đai ở TP quá lớn nên việc quản lý trông cậy vào các cơ quan quản lý, sử dụng trực tiếp. 

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại buổi giám sát - Video: TỰ TRUNG

Sở Tài nguyên Môi trường quản lý tổng thể, sở Tài chính quản lý đất công sắp xếp của các doanh nghiệp, UBND quận, huyện, công ty quản lý kinh doanh nhà TP, Trung tâm Phát triển quỹ đất, các tổng công ty của TP và các bộ ngành trung ương...

Thực trạng này đẫn đến những hạn chế như các cơ quan nhà nước quản lý không chặt chẽ, có biểu hiện khoán trắng, tin tưởng vào quản lý trực tiếp của các đơn vị, xử lý chưa nghiêm.

Thứ hai là nhà nước chậm triển khai quy hoạch, chậm mời gọi đầu tư, chậm triển khai dự án. Hệ quả là làm dân khổ và xảy ra tình trạng lấn chiếm.

Ông Tuyến khẳng định rằng trong thời gian tới giao đất phải qua đấu giá, dự án phải đấu thầu chọn nhà đầu tư. Đất ở Thủ Thiêm, TP sẽ cân nhắc bán đấu giá từng lô sau khi làm hạ tầng đầy đủ (cần khoảng 700 tỉ đồng để làm hạ tầng). Nếu đấu giá 9 lô một lần, nhà đầu tư trúng thầu mà không triển khai thì TP khó xử.

Theo ông Tuyến: "UBND TP đã tham mưu cho Thành ủy rà soát lại quy trình đầu tư dự án theo  phương thức BT (xây dựng - chuyển giao). Làm sao sử dụng quỹ đất làm BT phải chặt chẽ, đúng giá thị trường. Tránh việc kiểm toán công trình làm BT không chính xác làm giá công trình cao hơn giá trị thực nhưng thẩm định giá trị đất để thanh toán lại thấp hơn giá trị thực".

Thời gian qua, UBND TP đã tạm dừng làm BT để làm lại quy trình mới từ đấu thầu chọn nhà đầu tư đến đàm phán, xác định ranh quỹ đất...

Tổ chức lại cuộc sống cho người dân sau di dời

Giải trình chất vấn của các đại biểu về con số gần 14.000 căn hộ và nền đất tái định cư hiện đang bỏ trống, ông Trần Trọng Tuấn, giám đốc sở Xây dựng chỉ ra các nguyên nhân căn bản gây nên tình trạng này. 

TP.HCM muốn thống nhất đầu mối quản lý đất công - Ảnh 3.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, giải trình về nhà ở và đời sống của người dân tái định cư - Ảnh TỰ TRUNG

Cụ thể, chính sách bồi thường thay đổi khiến người dân bị di dời thấy phương án nhận tiền tự lo nơi ở mới thuận lợi hơn nhận nhà, đất tái định cư. Thực tế thì nhiều khu tái định cư xa nơi ở cũ, tính tiện ích không đảm bảo. 

"TP sẽ giữ lại 8.500 căn hộ, nền đất còn trống để khắc phục các khiếm khuyết về hạ tầng, dành tái định cư cho 153 dự án sắp thực hiện. Số còn lại sẽ bán đấu giá", ông Tuấn nói.

Chủ tịch HĐND TP, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm gợi ý rằng chính quyền phải tổ chức lại đời sống của người dân sau tái định cư chứ không chỉ giao tiền và nhà cho dân rồi thôi. 

"Nếu nhà nước tổ chức được cuộc sống của nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ thì dân sẽ ủng hộ. Việc này dễ nói nhưng khó làm, nhưng không làm không được", bà Tâm nói.

TP.HCM bỏ trống hàng chục khu đất công ngàn tỉ

TTO - Thanh tra TP.HCM đã phát hiện nhiều khu đất công rộng hàng chục ngàn mét vuông để trống, bỏ hoang qua nhiều năm. HĐND TP.HCM giám sát phát hiện thêm hàng ngàn mét vuông tương tự.

DƯƠNG NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên