Dây chuyền sản xuất bia tại một nhà máy ở TP.HCM - Ảnh: T.L.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn "tăng thuế để làm gì", vì rất có thể mục tiêu tăng thu lại không đạt được.
Cần tính toán kỹ lưỡng
Ông Nguyễn Văn Việt, chủ tịch Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam, cho rằng khi có chính sách điều chỉnh thuế cần đánh giá tác động về kinh tế - xã hội khi ra chủ trương, cần xem xét kỹ lưỡng vì hiện nay TP.HCM đang rất có lợi thế về thu ngân sách từ sản xuất kinh doanh bia với hơn 23.000 tỉ đồng.
Ông Việt cũng cho rằng việc tăng thuế cần tính đến "sức chịu đựng" của doanh nghiệp, có thể dẫn tới tình trạng các tỉnh khác sẽ có lợi thế hơn như thuế thấp hơn. Điều đó có thể khiến cho các doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư sang các địa phương khác.
"Việc điều chỉnh thuế phải vì quyền lợi chung, lợi cho TP, người dân, doanh nghiệp về lâu dài. Nếu không có chính sách thu hút tốt, doanh nghiệp có thể ra nước ngoài đầu tư, như sản xuất tại Lào và Campuchia và đưa về Việt Nam bán" - ông Việt cho hay.
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức - giám đốc Công ty luật Basico - cho rằng mục tiêu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là để kiểm soát, hạn chế những mặt trái trong việc sử dụng bia rượu. Do đó, với một mặt hàng tiêu thụ phổ biến, nếu sử dụng vào mục tiêu để tăng thu ngân sách, với cơ chế đặc thù của một địa phương thì không phù hợp.
Tăng thuế có thể làm cho tiêu dùng giảm, không bán được hàng, tức sẽ không tạo ra giao dịch có thể dẫn tới doanh nghiệp sẽ phải tính bài toán khác để kinh doanh hiệu quả.
Theo đó, những khả năng có thể xảy ra như đưa hàng hóa từ các địa phương khác vào, hoặc người dân ra biên giới mua hàng. Hay "tệ hơn", theo ông Đức, doanh nghiệp có thể chuyển hướng sang đầu tư ở những địa phương có mức thuế thấp hơn.
Hệ quả là TP khó có thể thu được ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và còn khó thu được thuế tiêu thụ đặc biệt.
Dẫn chứng với Sabeco, doanh nghiệp có nhiều công ty con ở các tỉnh, vì thế nếu đánh thuế thêm có thể sẽ "chuyển hết sản lượng sản xuất bia về các tỉnh, sẽ khiến TP bị thất thu thuế".
Bà Nguyễn Thị Cúc - chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam - cho rằng cần tính đến điều kiện đặc thù của TP.HCM, đây là địa phương có mức tiêu thụ lớn, thu nhập người dân cũng cao hơn nhiều địa phương khác, nên việc điều chỉnh mức thuế này có thể không ảnh hưởng nhiều đến việc điều chỉnh hành vi tiêu dùng của người dân.
Do đó, sử dụng biện pháp thuế để hạn chế hành vi tiêu dùng cũng không phải là giải pháp hữu hiệu, mà cần kết hợp nhiều biện pháp khác như cấm trẻ vị thành niên sử dụng rượu bia, hoặc cấm uống rượu bia trong giờ làm việc, cấm uống trong giờ nào đó, phạt nghiêm minh, hạn chế sử dụng.
Đồ họa: T.ĐẠT
Ai là đối tượng của tăng thuế?
Ông Mikio Masawaki, tổng giám đốc Công ty TNHH Sapporo Việt Nam, cho biết việc TP.HCM đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt hoàn toàn chưa rõ về mặt nội dung chi tiết.
Trong đó, TP cần làm rõ một số nội dung quan trọng như mục đích của việc tăng thuế là gì? Mục tiêu hướng tới là để đảm bảo ngân sách, hay tăng cường quản lý chất lượng bia rượu, hay phòng tránh việc lạm dụng bia rượu...?
"Tùy vào mục đích là gì mà cách vận hành và áp dụng cũng sẽ thay đổi rất lớn. Đồng thời, chúng tôi cũng chưa rõ đâu là đối tượng áp dụng của chủ trương này" - ông Mikio Masawaki nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Anh, giám đốc Công ty TNHH Tuấn Đức (Q.10) - chuyên kinh doanh nhập khẩu nước uống các loại, cho rằng nếu TP.HCM muốn xúc tiến triển khai đề án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần thông tin rõ mục đích chính của đề án này là gì, hướng đến thành phần nào?
"Nếu muốn tăng thêm so với mức thuế tiêu thụ đặc biệt mà doanh nghiệp đang chịu dành cho bia là 65%, rượu từ 35-65%, chưa kể thuế nhập khẩu và thuế VAT khi nhập thì doanh nghiệp đang kinh doanh mặt hàng này không hề "ngon" ăn chút nào. Chúng tôi kinh doanh thì chấp nhận các lộ trình thuế đặt ra và cũng cần được Nhà nước sòng phẳng với lộ trình đã được luật quy định" - ông Đức Anh bày tỏ quan điểm.
Ông Đức Anh thắc mắc: "Đề án này dành cho nhà sản xuất, hay các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này đang có trụ sở đặt trên địa bàn TP.HCM? Nếu công ty tôi có trụ sở chính tại Hà Nội, còn văn phòng tại TP.HCM chỉ là cơ sở phụ liệu có bị đưa vào diện đánh thuế theo đề án không?".
Tăng thuế để giảm tác hại của bia rượu
Ngược lại với sự băn khoăn nói trên, một số chuyên gia tỏ ý đồng tình với phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia.
Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, đề xuất mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn cho mặt hàng bia. Theo ông Xoa, khác với xăng, việc tăng thuế với rượu bia nhận được sự đồng tình cao của dư luận vì thời gian qua việc sử dụng quá mức rượu bia đã gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội, do vậy cần thiết phải tăng thuế để hạn chế.
Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia về tài chính, cho biết "hoàn toàn ủng hộ" chủ trương này và tăng thuế để giảm tiêu dùng là "rất cần thiết".
"Một quốc gia đang phát triển mà một năm chi tới hàng tỉ USD để tiêu thụ đến hơn 4 tỉ lít bia là quá mức. Mặt khác, việc lạm dụng rượu bia đã xảy ra quá nhiều hệ lụy đối với xã hội. Điển hình là tai nạn giao thông, rất nhiều vụ tai nạn giao thông có dính dáng đến ma men. Bên cạnh đó nhiều vụ việc gây mất an ninh trật tự xã hội cũng có liên quan đến rượu bia" - ông Thịnh nói.
Theo chuyên gia này, vì bia rượu là mặt hàng không thể cấm sử dụng, nên cần có biện pháp hạn chế bằng cách tăng thuế để nâng giá bán lên. Bên cạnh đó, còn giúp TP.HCM tăng nguồn thu cho ngân sách của địa phương.
Trong khi đó, đại diện Bộ Tài chính cho biết dựa trên nghị quyết 54/2017 về cơ chế đặc thù trong vấn đề tài chính, ngân sách, TP.HCM có thể đề xuất lên Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính - cho biết theo đánh giá của Bộ Y tế và trong dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia, việc tăng thuế là một trong những biện pháp để hạn chế tác hại của rượu bia.
Mục đích chính là giảm tiêu thụ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Vĩnh Tuyến - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết mục đích chính và quan trọng nhất của việc tăng thuế là nhằm giảm dần mức tiêu thụ rượu bia.
Lý do là TP.HCM hiện đang có mức tiêu thụ bia rượu khá cao, vốn là một trong những tác nhân góp phần làm ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội, an toàn giao thông, chưa kể còn làm giảm năng suất lao động, ảnh hưởng sức khỏe của người dân.
Một mục tiêu khác của việc tăng thuế, theo ông Tuyến, là tăng thu thêm một phần cho ngân sách TP.
Nhân viên đại lý bia chuyển bia cho các hàng quán - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Tuyến cũng khẳng định các bước xây dựng đề án sẽ đảm bảo đúng quy trình, quy định, có lắng nghe các ý kiến góp ý, phản biện trước khi trình ra HĐND TP xem xét, quyết định.
"Lãnh đạo TP rất mong nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân TP nhằm mục tiêu cao nhất là xây dựng phát triển TP.HCM trở thành đô thị văn minh, hiện đại, an toàn và nghĩa tình" - ông Tuyến nói.
Các nước đánh thuế rượu bia ra sao?
Tại Thái Lan, các vụ tai nạn liên quan tới tình trạng say xỉn tăng liên tục những năm gần đây, buộc chính phủ nước này phải áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có thuế rượu bia.
Năm 2017, Thái Lan áp dụng luật thuế mới, theo đó thuế mỗi chai rượu nhập khẩu có giá hơn 1.000 baht (730.000 đồng) sẽ trên 110 baht (80.000 đồng).
Đối với rượu sản xuất nội địa, mức thuế được áp dụng là 25 baht/chai (18.000 đồng/chai), theo báo Straits Times.
Trong khi đó, mức thuế đánh lên mỗi lon bia là hơn 0,5 baht (365 đồng), nhưng đối với mỗi chai bia là hơn 2,66 baht (1.940 đồng). Đối với các loại bia có mức giá cao hơn, mức thuế sẽ giảm còn từ 0,99 - 2 baht (723 - 1.460 đồng).
Ở Singapore, các loại rượu đều chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt 88 đôla Singapore/lít (1.500.000 đồng), theo trang customs.gov.sg.
Theo trang Malaysia Traveller, Malaysia là quốc gia áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia cao thứ hai thế giới, sau Na Uy, với mức thuế là 7,4 ringgit/lít (42.000 đồng/lít) cộng thêm 15% thuế giá trị (ad valorem tax).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận