04/08/2019 11:00 GMT+7

TP.HCM muốn hồi sinh những dòng kênh bị lấn chiếm

QUANG KHẢI - NGỌC ẨN
QUANG KHẢI - NGỌC ẨN

TTO - TP.HCM đang "ấp ủ" việc hồi phục thêm nhiều hệ thống kênh, rạch bị lấn chiếm, bồi lấp để góp phần chống ngập, cải tạo cảnh quan, môi trường...

TP.HCM muốn hồi sinh những dòng kênh bị lấn chiếm - Ảnh 1.

Rạch xuyên tâm (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bị nhà dân lấn chiếm xây dựng dọc theo kênh làm thu hẹp dòng chảy và trở thành “thùng chứa rác khổng lồ” - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chỉ hơn một tháng nữa, thêm một đoạn kênh Hàng Bàng (Q.5 và Q.6, TP.HCM) được khôi phục theo hiện trạng xưa sau một thời gian dài bị lấn chiếm, lắp cống hộp. Một “chương mới” cho công tác chỉnh trang đô thị, chống ngập, cải thiện môi trường theo hướng gần với tự nhiên như được tìm ra.

Trước đó, các dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm cũng đã mang lại những dấu ấn tích cực. TP.HCM cũng đang "ấp ủ" việc hồi phục thêm nhiều hệ thống kênh, rạch bị lấn chiếm, bồi lấp để góp phần chống ngập, cải tạo cảnh quan, môi trường...

Tái hiện con kênh xanh xưa

Một ngày cuối tháng 7-2019, đến một đoạn kênh Hàng Bàng chúng tôi thấy các công nhân Tổng công ty Xây dựng số 1 tất bật lát vỉa hè hai bên bờ. Trước mắt chúng tôi là đoạn kênh thẳng tắp dài hơn 220m, rộng hơn chục mét, hai bên bờ là dãy cây xanh thảm cỏ xanh mướt. Trên những hàng ghế đá, nhiều cụ già ngồi hóng mát, trẻ em thì nô đùa xung quanh. Vào buổi sáng, khu vực này trở thành nơi cho người lớn và trẻ em tập thể dục thể thao, thư giãn. 

TP.HCM muốn hồi sinh những dòng kênh bị lấn chiếm - Ảnh 2.

CLB dưỡng sinh P.5 sinh hoạt vào mỗi buổi sáng tại kênh Hàng Bàng (Q.6, TP.HCM) từ khi giai đoạn 1 được hoàn thành - Ảnh: NGUYỆT NHI

Đoạn cuối kênh Hàng Bàng, đoạn tiếp giáp với chợ Kim Biên và đường Võ Văn Kiệt cũng đã được phục hồi, dài khoảng 150m, rộng 12m và được kè đá ở 2 bên. Đây cũng là 2 đoạn của con kênh giao thương tấp nập ở cửa ngõ miền Tây thời trước vừa được phục hồi (giai đoạn 1).

Kênh Hàng Bàng dài 1.890m từ rạch Lò Gốm giữa đường Bãi Sậy và Phan Văn Khỏe chạy thẳng đến đường Bình Tiên (sau chợ Kim Biên) rồi ra kênh Tàu Hủ là một trong những tuyến kênh giao thương tấp nập ở cửa ngõ miền Tây thời trước. Nơi đây vốn là bến tập kết ghe, tàu các tỉnh miền Tây chở mía, củi, trái cây lên buôn bán. 

Sau năm 1975, con kênh này bị thu hẹp, bồi lắng dần do nhiều người lấn chiếm xây nhà. Năm 2000, một đoạn kênh Hàng Bàng từ Lò Gốm về đường Bình Tiên được lắp cống thay kênh hở. Song song với đó, tình trạng ngập nước tại các khu lân cận như bến xe Chợ Lớn, đường Nguyễn Thị Nhỏ, Lê Quang Sung, Minh Phụng... bắt đầu tăng lên.

Trong giai đoạn 1, kênh Hàng Bàng chỉ phục hồi được đoạn đầu và đoạn cuối kênh. Tuy vậy, chỉ với hơn 370m phục hồi cũng đã đem lại niềm vui trong cuộc sống của người dân ở hai bên kênh. 

Bà Nguyễn Thị Mùi (65 tuổi, cư ngụ trên đường Phan Văn Khỏe) chia sẻ: "Nơi này trước kia là nhà cửa lụp xụp. Bây giờ Nhà nước giải tỏa cho xây lại con kênh này, những người già và trẻ em có chỗ để vui chơi, hóng mát nên tui rất mừng". Em Nguyễn Thị Yên (12 tuổi) thì cho biết từ khi có công viên ở bờ kênh này, Yên và các bạn cứ sau giờ tan trường lại ra đây chơi vì trong nhà rất chật hẹp.

Theo các đơn vị chức năng, việc phục hồi kênh Hàng Bàng sẽ tốn khoảng 3.700 tỉ đồng, trong đó dự án hồi phục giai đoạn 1 tốn gần 800 tỉ đồng; giai đoạn 2 và 3 tốn gần 2.900 tỉ đồng đền bù giải tỏa hơn 700 hộ dân và phải thực hiện phục hồi dự án mất rất nhiều năm.

Ở giai đoạn 2, đoạn kênh Hàng Bàng từ đường Mai Xuân Thưởng đến kênh Vạn Tượng (Q.5 và Q.6) dài 750m vừa mới được khởi công cách đây vài tháng. Giai đoạn 3 còn 750m còn lại sẽ do Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông thực hiện với quy mô kênh hở rộng 12m và sâu 4,5m. 

Theo một cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP, giai đoạn 2 dự án đang gặp khó khăn vì Q.6 mới bàn giao được 100m mặt bằng. Đơn vị thi công mới lắp đặt hệ thống cống thoát nước và đang thi công theo kiểu đền bù giải tỏa đến đâu thi công đến đó.

TP.HCM muốn hồi sinh những dòng kênh bị lấn chiếm - Ảnh 3.

Kênh Vạn Tượng (Q.5, TP.HCM) dài 150m thuộc dự án kênh Hàng Bàng giai đoạn 1 được thi công lát vỉa hè - Ảnh: NGUYỆT NHI

Nhiều kênh, rạch khác chờ... vốn

Ngoài kênh Hàng Bàng, hiện TP.HCM đang có kế hoạch "hồi sinh" nhiều con kênh khác. Một trong những tuyến kênh nổi bật nhất là tuyến rạch xuyên tâm đi qua địa bàn quận Bình Thạnh, Gò Vấp.

Rạch xuyên tâm thực ra là hệ thống các con rạch liên thông nhau như rạch Cầu Bông, rạch Cầu Sơn, rạch Long Vân Tự, rạch Lăng có chiều dài hơn 8km, bắt đầu từ đường Trường Sa chạy ngoằn ngoèo, có nhánh thoát ra sông Sài Gòn nhưng nhánh chính chạy dài qua địa phận Q.Gò Vấp chảy ra sông Vàm Thuật. 

Con rạch này một thời gian dài bị nhà dân lấn chiếm xây dựng dọc theo kênh làm thu hẹp dòng chảy. Những thời điểm nước xuống, có những đoạn rạch trơ đáy và trở thành "thùng chứa rác khổng lồ".

Để hồi sinh con rạch này, UBND TP.HCM đã phê duyệt dự án cải tạo, chỉnh trang rạch từ năm 2002 nhưng sau đó chưa thực hiện. Đến năm 2016, Công ty cổ phần Hà Nội Ngàn Năm đã đề xuất triển khai dự án này theo hình thức đối tác công tư (PPP, hợp đồng BT), ngoài việc giải tỏa nhà ven kênh thì tiến hành mở rộng thu hồi đất dọc theo kênh để tạo nguồn thanh toán cho nhà đầu tư. Tuy nhiên đến tháng 10-2017, UBND TP có chủ trương dừng các dự án BT chờ quy trình mới nên dự án tiếp tục "treo".

Thông tin từ UBND Q.Bình Thạnh cho biết qua rà soát có khoảng 2.135 căn nhà dọc theo tuyến kênh bị ảnh hưởng, với chi phí đền bù lên hơn 3.751 tỉ đồng. Một cán bộ Sở Xây dựng cho hay tổng mức đầu tư toàn bộ dự án có thể tăng đến 8.600 tỉ đồng. 

Ông Hồ Phương - phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh - cho biết trong quá trình chờ quy định hướng dẫn việc thanh toán quỹ đất công cho nhà đầu tư đã đề xuất tách dự án bồi thường ra thực hiện theo hình thức đầu tư công, còn gói xây lắp có thể thực hiện sau bằng những hình thức đầu tư khác. "Hiện chúng tôi chờ các cơ quan thẩm quyền duyệt chủ trương theo hướng đề xuất" - ông Phương cho hay.

Trong khi đó, con kênh Hi Vọng thoát nước cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình) cũng được UBND TP chấp thuận chủ trương hồi sinh từ năm 2013. Theo phương án này, con kênh dài hơn 1,1km phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được cải tạo thành mương hở, kết hợp làm đường giao thông mỗi bên rộng 10m và trồng cây xanh hai bên đường với tổng vốn đầu tư hơn 427 tỉ đồng. 

Dự án hoàn thành không chỉ tăng khả năng thoát nước, tạo cảnh quan mà còn có thêm trục đường góp phần giải tỏa ách tắc giao thông khu vực phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất. Đây cũng là hạng mục trong dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên năm 2017, UBND TP và WB thống nhất kết thúc tài trợ dự án này nên công trình chưa xác định được nguồn vốn thực hiện.

Trả lời về tiến độ dự án này, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP (thuộc Sở Xây dựng) - cho biết mới đây Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) xem xét tài trợ 350 triệu USD (khoảng 8.000 tỉ đồng) cho các dự án xử lý nước thải, chống ngập trên địa bàn TP.HCM. 

"Hiện nay chúng tôi đã báo cáo Bộ Kế hoạch - đầu tư đưa dự án cải tạo kênh Hi Vọng vào danh mục dự án sử dụng vốn ODA và đang chờ hoàn tất các thủ tục trước khi ký hiệp định vay với ADB mới triển khai được" - ông Dũng cho hay.

TP.HCM muốn hồi sinh những dòng kênh bị lấn chiếm - Ảnh 4.

Đồ họa: N.KH.

Kênh A41 sẽ được lắp cống hộp

UBND Q.Tân Bình cho biết hiện đang tiến hành công tác giải tỏa đền bù triển khai dự án cải tạo kênh A41 (một dự án thoát nước khác khu vực sân bay Tân Sơn Nhất). Dự án này cũng được đề xuất kết hợp làm đường giao thông rộng 12m, có vỉa hè rộng 4m mỗi bên. Tuy nhiên, việc cải tạo kênh này thực hiện theo phương án lắp đặt toàn bộ cống hộp 2,5 x 2,5m chứ không phải làm mương hở.

Hồi sinh 10 kênh, rạch ở Q.Bình Tân

Ông Nguyễn Minh Nhựt - phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân - cho hay quận này cũng đang có kế hoạch hồi sinh gần 10 kênh, rạch trên địa bàn, trong đó trọng điểm là 2 tuyến rạch: Ông Búp - liên xã và rạch Bà Tiếng. Cũng theo ông Nhựt, nếu hồi sinh được 2 con rạch này sẽ giúp giảm ngập đáng kể trên địa bàn quận vì đây là những tuyến rạch thoát nước quan trọng. Theo đó, các dự án này không chỉ tiến hành giải tỏa nhà ven kênh mà còn kết hợp làm đường giao thông, trồng cây xanh tạo cảnh quan hai bên. "Hiện các dự án đang được lên phương án bồi thường và triển khai hoàn tất trong giai đoạn 2021-2025" - ông Nhựt khẳng định.

TP.HCM đánh giá chức năng từng con rạch

Trao đổi với đại biểu HĐND TP, liên quan tình trạng san lấp sông rạch, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho hay TP sẽ khảo sát đánh giá chức năng từng con kênh, rạch và sẽ trả lời câu hỏi kênh nào có thể lấp, kênh rạch nào phải được giữ? Nhưng quan điểm của TP phải tận dụng diện tích mặt nước. TP.HCM phải phát huy được lợi thế sông nước, TP đang nỗ lực để kênh, rạch không chỉ là nơi trữ nước mà nước còn phải xanh trong.

Trả lại cảnh quan "trên bến, dưới thuyền"

Việc hồi phục kênh Hàng Bàng không chỉ trả lại cuộc sống bình yên cho người dân mà còn trả lại cảnh quan "trên bến, dưới thuyền" cho các chợ đầu mối Kim Biên, Bình Tây đã hình thành cách đây trăm năm; tạo nên nét đặc trung về một dòng kênh xanh nằm ở giữa khu trung tâm thương mại, dịch vụ sầm uất nhất vùng Chợ Lớn tại TP.HCM.

Cách đây vài năm, khi đi thực địa để xác định chủ trương đầu tư dư án hồi phục kênh Hàng Bàng giai đoạn 3, một lãnh đạo UBND TP cho rằng việc phục hồi kênh Hàng Bàng là rất cần thiết. Trước hết là nhằm cải thiện cuộc sống người dân ở hai bên kênh và đây cũng là dự án nhằm thực hiện giải pháp chống ngập nước cho TP.

PGS.TS NGUYỄN MINH HÒA - Nguyên trưởng khoa đô thị học Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM:

Sử dụng nguồn lực tại chỗ để hồi sinh kênh, rạch

Nếu TP cải tạo mở rộng 5 tuyến kênh chính, xuyên tâm và 22 rạch nhánh, đây là hướng thoát nước tự nhiên rất tốt. Quá trình phát triển đô thị và biến đổi khí hậu không có TP nào không bị ngập nhưng nếu cải tạo, chỉnh trang theo hướng thoát nước tự nhiên qua hệ thống sông, rạch thì thời gian ngập tại TP sẽ giảm đáng kể.

Một vấn đề nan giải thời gian qua là nguồn vốn đâu để làm? Việc này TP.HCM vẫn có thể học hỏi mô hình nhiều nước trên thế giới đã làm, đó là sử dụng chính nguồn lực tại chỗ để triển khai các công trình cải tạo, phục hồi kênh, rạch.

Cụ thể khi tiến hành dự án cải tạo, chỉnh trang kênh, rạch thì cần tính toán mở rộng biên giải tỏa. Từ đó có thêm quỹ đất sạch, đấu giá lấy nguồn lực đó triển khai dự án, ngoài ra còn có thể triển khai các chung cư, nhà cao tầng trên nguồn đất sạch đó để tái định cư tại chỗ. Trước mắt có thể tập trung vào một số tuyến kênh, rạch chính như rạch xuyên tâm thay vì cứ dàn trải mà chưa thực hiện được cái nào.

Ông TRƯƠNG LÂM DANH - Trưởng Ban pháp chế HĐND TP.HCM:

Cần đẩy nhanh tiến độ khôi phục các con kênh

Việc khôi phục những dòng kênh, rạch bị san lấp, lấn chiếm là hướng đi đúng mà Hàn Quốc, Trung Quốc đã thực hiện. Các dòng kênh thông thoáng không chỉ đáp ứng nhu cầu thoát nước, cải tạo cảnh quan, môi trường mà còn là nguồn thẩm thấu, bổ sung cho nguồn nước ngầm góp phần chống sụt lún.

Đặc biệt khi công trình chống ngập gần 10.000 tỉ đồng của Tập đoàn Trung Nam triển khai với 6 cống ngăn triều hoàn thành, các con kênh, rạch thông thoáng sẽ tạo được lợi ích kép cho công tác chống ngập, góp phần hoàn thành nội dung giảm ngập - là một trong bảy chương trình đột phá của TP.HCM.

Cần phải đẩy nhanh tiến độ việc cải tạo, khôi phục kênh, rạch hơn nữa. Qua các buổi giám sát về hiệu quả chương trình giảm ngập nước trên địa bàn TP mới đây, HĐND TP đã đề nghị UBND TP cố gắng tập trung hoàn thành việc cải tạo, khôi phục các con kênh, rạch như rạch xuyên tâm... giải quyết câu chuyện giảm ngập cho TP.

Seoul tạ lỗi với môi trường

Vào năm 1958, với tư tưởng đẩy mạnh phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng, chính quyền TP Seoul chủ trương lấp suối Cheonggyecheon - dòng suối cổ chảy từ tây sang đông của Seoul - rồi xây cao tốc trên cao Cheonggyecheon vào đầu năm 1970, một biểu tượng đầy tự hào của Hàn Quốc cho quá trình đô thị hóa nhanh chóng.

Nhưng tháng 7-2003, thị trưởng Lee Myung Bak (sau này là tổng thống Hàn Quốc) quyết tâm phá bỏ cả đường cao tốc để khơi lại dòng suối. Dự án cải tạo tham vọng này nhận được nhiều lời tán dương cũng như nhiều chỉ trích.

dsc_7946 2(read-only)

Trình diễn thời trang trên suối Cheonggyecheon tại TP Seoul, Hàn Quốc - Ảnh: T.T.D.

Dù vậy, khi con suối giữa lòng Seoul trở lại đúng chức năng vào tháng 10-2005, nó trở thành nơi dừng chân được mọi người ưa thích. Đây là điểm công cộng để các gia đình đưa con trẻ tới vui chơi giải trí, nơi chốn hò hẹn của các cặp tình nhân, chỗ nghỉ ngơi của dân văn phòng sau giờ làm việc hay là sân khấu cho các nghệ sĩ đường phố.

Kế hoạch phục hồi suối Cheonggyecheon dài 5,8km chảy qua khu trung tâm TP Seoul với tổng đầu tư lên đến 900 triệu USD, không chỉ là công trình tạ lỗi với môi trường mà còn nhằm tạo dựng một thắng cảnh xanh thu hút khách cho Seoul.

T.T.D

TP.HCM: Kênh rạch bị lấp, hồ điều tiết nằm trên giấy

TTO - Đại biểu Trương Lâm Danh - trưởng Ban pháp chế HĐND TP.HCM, đã nêu thực trạng này tại buổi giám sát của HĐND TP với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và Ban quản lý dự án các công trình giao thông sáng 30-5.

QUANG KHẢI - NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên