Chiều 14-5, tại buổi tiếp ban lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JCCH) do tân chủ tịch Nozaki Takao dẫn đoàn, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết tuyến metro số 1 được xem là biểu tượng của quan hệ hợp tác đầu tư Việt - Nhật. Vì vậy mong JCCH cùng đóng góp tiếng nói, chung tay để tuyến metro số 1 sớm đi vào hoạt động.
Sau 30 năm thành lập đến nay, JCCH tại Việt Nam đã phát triển nhanh chóng lên 1.061 thành viên, riêng trong năm 2023, hiệp hội có thêm 76 hội viên doanh nghiệp.
Với số thành viên này, JCCH ở Việt Nam xếp thứ 3 trong 100 hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản ở nước ngoài sau Thượng Hải (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan).
Ông Dương Anh Đức cho biết rất vui mừng trước sự phát triển về quy mô của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM cũng như trên cả nước. Điều này còn cho thấy môi trường đầu tư của thành phố tiếp tục được cải thiện, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có động lực dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam.
Tiếp lời, ông Nozaki Takao - tân chủ tịch JCCH - cho biết quy mô của hiệp hội đã tăng gấp đôi so với 10 năm trước, phản ánh sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản dành cho khu vực phía Nam của Việt Nam cũng như cả nước.
Đại diện JCCH cũng gửi lời cảm ơn vì TP.HCM tổ chức và duy trì Hội nghị bàn tròn hằng năm với doanh nghiệp Nhật Bản, nhiều khó khăn của doanh nghiệp nước này nêu lên đã được TP.HCM hỗ trợ giải quyết.
Đặc biệt trong lần gặp gỡ đối thoại tháng 12-2023, phản ánh của doanh nghiệp Nhật Bản về áp dụng cổng nhập cảnh tự động chưa áp dụng cho người nước ngoài được TP.HCM tiếp nhận.
Ngay sau Hội nghị bàn tròn, đề xuất này đã được lắng nghe và nhiều doanh nghiệp nước ngoài rất vui mừng vì đi lại ở sân bay Tân Sơn Nhất đã thuận lợi hơn.
Với kinh nghiệm và công nghệ mà Nhật Bản hiện có, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng bày tỏ mong muốn tham gia vào quá trình hoàn thiện, đóng góp vào chất lượng sống của thành phố với các dự án khai thác không gian ngầm trong tuyến metro sắp đưa vào hoạt động.
Lãnh đạo TP.HCM cũng đặt hàng JCCH cùng phối hợp với thành phố giải quyết các bài toán sâu về liên kết, phát triển cung ứng nhiên liệu, thị trường... Đặc biệt, mong hiệp hội giới thiệu cho thành phố những doanh nghiệp có kinh nghiệm kết nối với chính quyền, viện nghiên cứu Nhật Bản... để đầu tư cũng như tham vấn chính sách, hỗ trợ quá trình phát triển của thành phố.
"Hiện TP.HCM đang khẩn trương hoàn thiện kế hoạch triển khai, tổ chức thực thi nhằm đưa nghị quyết 91 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vào thực tế. Do đó, thành phố mong nhận được góp ý, chia sẻ kinh nghiệm từ cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản để hoàn thiện khung chính sách, kiến tạo môi trường thể chế thuận lợi, phát huy hơn nữa sức bật và tiềm năng phát triển của thành phố", ông Dương Anh Đức đề nghị.
Năm 2023, Nhật Bản đứng thứ 2 các quốc gia, lãnh thổ đầu tư vào TP.HCM với 139 dự án mới và mở rộng, tăng 25% so với năm ngoái, trị giá khoảng 169 triệu USD.
Theo đại diện JCCH, các con số này có được khi nhà đầu tư Nhật Bản nhận thấy cơ hội tiềm năng từ sự gia tăng dân số và cải thiện thu nhập của dân, TP.HCM trở thành thị trường tiêu thụ nội địa hấp dẫn. Điều này thể hiện rõ qua sự tăng trưởng cao của các thương vụ mua bán & sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực dịch vụ, y tế...
Trong đó hai thương vụ M&A tiêu biểu là Tập đoàn Sojitz mua lại quyền sở hữu của CTCP Đại Tân Việt (New Viet Dairy), chuyên phân phối nguyên liệu sữa và thực phẩm và công ty tiêu dùng Nhật Bản Lion mua cổ phần của công ty sản xuất dược phẩm Việt Nam Merap Holdings...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận