Chị Trần Thị Diệu Thường, phụ huynh có con học lớp 1 ở P.13 (quận Tân Bình, TP.HCM), đang hướng dẫn con học học trực tuyến - Ảnh: GIA HUY
Bà Phạm Thị Hồng Sương, phụ huynh ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) bày tỏ: "Hai con của tôi, 1 đứa đang học lớp 12 và 1 đứa đang học lớp 6, đều chưa được tiêm vắc xin. Các con có mong được đến trường vậy chứ tôi cũng không dám quyết định mạo hiểm. Giữa việc học hành và sự an toàn của con thì tôi chọn an toàn".
Nhà trường trước những ngổn ngang
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều hiệu trưởng trường phổ thông công lập ở TP.HCM cho biết họ vừa mừng lại vừa lo khi nghe tin chuẩn bị mở cửa trường: "Trường chúng tôi đã được trưng dụng để phục vụ công tác phòng chống COVID-19.
Nếu dịch bệnh được kiểm soát thì ngành y tế sẽ bàn giao lại cơ sở vật chất cho nhà trường. Lúc đó, trường sẽ mất ít nhất 2 tuần làm công tác khử khuẩn, tu bổ, sửa chữa... chứ không thể đón học sinh ngay được.
Đó là chưa kể việc tuyển dụng giáo viên cho năm học mới vẫn chưa hoàn tất, sẽ rất khó khăn nếu thực hiện giảng dạy - học tập trực tiếp" - hiệu trưởng một trường trung học ở TP Thủ Đức chia sẻ.
Trong khi đó, bà Lê Thúy Hòa, hiệu trưởng Trường THCS - THPT Thái Bình (quận Tân Bình), cho hay: "Trường chúng tôi không được trưng dụng để phục vụ công tác phòng chống COVID-19 nên thuận lợi hơn nhiều trường khác.
Chúng tôi mong chờ hết giãn cách để tiếp tục thực hiện công tác sửa chữa một số hạng mục để chờ ngày đón học sinh trở lại trường. Việc mở cửa trường là xu thế tất yếu, khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, việc chuẩn bị để đảm bảo an toàn cho cả giáo viên và học sinh không phải chuyện đơn giản".
Theo bà Lê Thúy Hòa: "Như trường tôi hiện các giáo viên chưa được tiêm mũi 2. Không những thế, học sinh cũng phải được tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì phụ huynh mới an tâm cho con đến trường.
Với các trường tư thục như chúng tôi thì học sinh ở các tỉnh, thành khác nhau chứ không chỉ là học sinh ở TP.HCM như các trường công lập. Vậy thì các em sẽ tiêm vắc xin như thế nào? Rồi việc học sinh di chuyển từ các tỉnh, thành khác về TP.HCM ra sao trong điều kiện đi lại khó khăn như hiện nay?".
Cùng nỗi lo lắng trên, hiệu trưởng một trường THPT tư thục ở quận Tân Phú cũng phản ảnh: "Hình thức '3 tại chỗ' mà Sở GD-ĐT TP đề xuất áp dụng cho các trường tư thục khi mở cửa trường là rất khả thi trong công tác phòng chống dịch.
Tuy vậy, trên thực tế thì chỉ có những học sinh nhà ở các tỉnh, thành ngoài TP.HCM mới đăng ký học nội trú. Đa số học sinh nhà ở TP.HCM lại không học nội trú. Trước đây, chỉ những giáo viên quản nhiệm mới ở nội trú cùng học sinh.
Đây là những giáo viên không vướng bận con cái, gia đình nên họ mới có thể ở suốt trong trường. Riêng những giáo viên bộ môn thì họ chỉ đến trường làm việc theo thời khóa biểu. Giờ nếu yêu cầu họ phải vào trường ăn, ngủ, giảng dạy tại trường thì ai sẽ lo cho con cái, gia đình họ?".
Một ngôi trường trên địa bàn TP.HCM được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 - Ảnh: TỰ TRUNG
Cần đồng bộ
"Chúng tôi mong muốn mở cửa trường để đón học sinh, nhưng mọi việc phải được thực hiện đồng bộ và thống nhất của tất cả các ngành nghề chứ không riêng ngành giáo dục. Tức là khi phụ huynh trở lại cơ quan, đơn vị để làm việc thì học sinh sẽ đến trường với điều kiện là đã chuẩn bị các giải pháp an toàn trong trường học.
Chứ nếu mở cửa trường dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh sẽ gây khó khăn cho nhà trường trong việc triển khai kế hoạch giảng dạy" - ThS Nguyễn Văn Phúc, hiệu trưởng Trường THCS - THPT Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp), đề xuất.
"Một lớp có khoảng 50% học sinh đi học còn 50% ở nhà thì chúng tôi không thể nào phân thân ra để giảng dạy chu toàn cho cả 2 đối tượng học sinh được" - một giáo viên môn văn ở quận 5 đặt vấn đề.
Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên môn toán Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), kể: "Tôi hỏi học sinh của tôi rằng các em mong khi nào có thể trở lại trường. Rất nhiều em bày tỏ mong muốn là sau 15-9 được đi học lại.
Trên thực tế Trường THPT Nguyễn Du đang được trưng dụng để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19. Khi nào dịch bệnh được kiểm soát, cơ sở vật chất phòng ốc được giao lại cho nhà trường thì cũng không thể tiến hành dạy học trực tiếp ngay được. Giáo viên thì chắc sẽ sớm được tiêm đủ 2 mũi vắc xin, nhưng tôi mong muốn học sinh cũng cần được tiêm đủ 2 mũi vắc xin trước khi đi học lại".
Thầy Chính đề nghị: "Chúng ta nên xác định học online là việc lâu dài và không thể không thực hiện. Để khi mở cửa trường mà thấy không ổn thì sẽ quay về học online tiếp".
Tương tự, thầy Võ Kim Bảo, giáo viên môn văn Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), tâm sự: "Tôi đã từng là F0 rồi khỏi bệnh nên tôi không ngại việc đến trường dạy trực tiếp. Nhưng tôi rất lo việc mình mang mầm bệnh về lây cho những người trong gia đình.
Tôi cho rằng việc mở cửa trường chỉ nên thực hiện khi phụ huynh đồng lòng cho con đi học trực tiếp. Chứ nếu chỉ một số học sinh đến trường, còn một số học sinh vẫn ở nhà thì chắc chắn nhà trường sẽ phải sắp xếp lại các lớp: lớp học trực tiếp, lớp học online; phân công lại một nhóm giáo viên chuyên dạy trực tiếp, một nhóm giáo viên chuyên dạy online.
Trong khi chúng tôi đã làm quen và hiểu tính cách học sinh từ đầu năm học, các em cũng đã quen với cách làm việc và giảng dạy của thầy cô, nếu đến giữa năm học phải làm lại từ đầu thì rất cực".
Chưa phải thời điểm này
Theo một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM: "Học sinh được học trực tiếp vừa để đảm bảo chất lượng giáo dục, vừa là điều kiện cơ bản để ổn định xã hội: phụ huynh đi làm thì con cái đi học. Việc sở đề xuất mở cửa trường học trở lại mang ý nghĩa chuẩn bị, 'đón đầu' chứ không có nghĩa là mở cửa ngay thời điểm này".
Theo vị cán bộ trên, việc cho học sinh đi học lại chỉ được thực hiện khi địa phương (TP Thủ Đức và các quận, huyện) được xác định là an toàn trong phòng chống COVID-19. Lúc ấy, UBND các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch mở cửa trường học với những giải pháp cụ thể.
Việc mở cửa trường học trở lại sẽ phải tuân theo một số yêu cầu như: địa phương phải được xác định là an toàn trong phòng chống dịch COVID-19; cơ sở giáo dục phải được đánh giá an toàn theo Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong trường học; đội ngũ giáo viên phải được tiêm đủ 2 mũi vắc xin trước ngày đến trường ít nhất 2 tuần; chỉ tổ chức cho những học sinh trong địa phương và trên tinh thần tự nguyện.
Phụ huynh chúng tôi chưa an tâm
Tôi sẽ sẵn sàng cho con mình đến trường nếu ngành GD-ĐT và ngành y tế cung cấp đầy đủ thông tin cho phụ huynh chúng tôi về những vấn đề sau:
Thứ nhất là việc tiêm vắc xin cho học sinh. Tại sao nhiều nước tiên tiến trên thế giới họ đang rất cân nhắc và ngần ngại khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi? Ở ta sẽ tiêm vắc xin đại trà cho học sinh 12 - 17 tuổi hay chỉ ưu tiên tiêm cho học sinh lớp 12, hay chỉ tiêm cho những học sinh có bệnh nền, học sinh có nguy cơ biến chứng nặng nếu bị nhiễm (như béo phì chẳng hạn)?
Thứ hai, chúng tôi hiểu việc cho trẻ đến trường là điều kiện tất yếu để bình thường cuộc sống. Thế nhưng, các cấp quản lý cần có biện pháp đề phòng những trường hợp lây nhiễm COVID-19 trong trường học. Cũng phải tính cả phương án từ ngành y tế nếu nhiều học sinh bị nhiễm COVID-19?
Ông Nguyễn Văn Hùng (phụ huynh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM)
Trở lại trường: chia nhỏ lớp, ưu tiên theo khối
"Hiện nay, học sinh các trường THCS, THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên đã bắt đầu học trực tuyến từ ngày 6-9, còn học sinh tiểu học thì đến ngày 20-9 sẽ chính thức học online. Ngành GD-ĐT TP.HCM đã xác định việc học trực tuyến sẽ kéo dài trong học kỳ 1.
Dĩ nhiên, việc mở cửa trường học sẽ phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh của từng địa phương (TP Thủ Đức và các quận, huyện) và được thực hiện theo từng bước. Thời gian đầu sẽ chia nhỏ lớp, chỉ bố trí học 1 buổi, ưu tiên lớp 1, 2, 9, 12 đi học trước, sau đó đến các lớp 5, 6, 10.
Những cơ sở giáo dục ngoài công lập có thể bố trí nội trú cho giáo viên và học sinh theo phương án "3 tại chỗ" để dạy học trực tiếp".
(Một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận