Ông Nguyễn Quốc Trịnh - chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An - nói về tình hình giá cả thanh long cho đại diện các hệ thống siêu thị được Sở Công thương TP.HCM "môi giới" - Ảnh: SƠN LÂM
Ngày 5-2, UBND tỉnh Long An đã tổ chức hội nghị với sự tham dự của đại diện Sở Công thương các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Tây Ninh, TP Cần Thơ và TP.HCM để tìm giải pháp tiêu thụ thanh long.
Nông sản xuất thị trường Trung Quốc đều vướng
Hiện tại diện tích thanh long đang cho trái tại Long An khoảng 9.587ha trong tổng số 11.826ha. Dù thanh long Châu Thành, Long An đã xuất khẩu qua nhiều quốc gia như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật, Malaysia, Dubai, Newzealand, Ấn Độ, Úc… nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường chính, chiếm 70 - 80%.
Do đó khi dịch cúm vì chủng virus corona mới bùng phát khiến việc xuất khẩu thanh long bị ảnh hưởng nặng nề, từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2-2020 ước sẽ có khoảng 30.000 tấn bị tồn động chưa có đầu ra. Trong số tồn này có khoảng 2.000 tấn đang được trữ trong các kho lạnh.
Ông Đặng Văn Tuấn - phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang - cho biết hiện tỉnh này cũng đang gặp phải vấn đề đầu ra cho thanh long bởi Tiền Giang cũng là địa phương có hơn 8.400ha thanh long, sản lượng bình quân đến 220.000 tấn.
"Không chỉ thanh long mà còn các loại trái cây đang xuất qua Trung Quốc như sầu riêng, mít, … tại Tiền Giang cũng đang gặp phải vấn đề tương tự. Hiện tại chúng tôi vẫn đang tự nỗ lực cánh sinh, đưa hàng hóa đến các siêu thị sẵn có trên địa bàn, đồng thời tổ chức hỗ trợ thêm các chi phí vận chuyển để nông sản có thể đi sâu vào các chợ truyền thống, tăng mức độ tiêu thụ ngay tại địa phương"- ông Tuấn nói.
Thanh long tồn không đủ chuẩn xuất thị trường khác
Ông Nguyễn Minh Toại - giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ - cho biết sẽ vận động các chuỗi cửa hàng phân phối tại địa phương này cố gắng tiêu thụ đầu ra cho một số nông sản đang bị ảnh hưởng bởi không thể xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ông Toại cũng cho rằng ngành ngân hàng cũng nên chia sẻ, xem xét hỗ trợ thêm cho ngành nông nghiệp bằng các chính sách như kéo dài thời hạn vay, giảm lãi suất để các hệ thống nông nghiệp có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn.
"Tuy nhiên, đây cũng là kinh nghiệm để cần phải xây dựng chuỗi tiêu thụ bền vững hơn trong tương lai, cần hướng dẫn và khuyến khích bà con tạo những hợp đồng với các hệ thống cửa hàng thực phẩm, các doanh nghiệp chế biến …", ông Tuấn nói thêm.
Cùng ý kiến với ông Tuấn, bà Nguyễn Huỳnh Trang - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho rằng hiện nay vẫn còn quá thiếu nông sản đạt chuẩn xuất khẩu. "Vừa rồi chúng tôi hỏi lại trong số hàng tồn không thể xuất sang Trung Quốc, có được bao nhiêu thanh long đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang nước khác thì số lượng là 0. Do đó nếu chúng ta sản xuất mà không có tiêu chí, không có tiêu chuẩn rõ ràng, thì mỗi khi thị trường Trung Quốc có vấn đề, chúng ta lại cứ phải giải cứu đi giải cứu lại" - bà Trang chia sẻ.
Tham dự hội nghị lần này, bà Trang còn giới thiệu thêm với các địa phương ba đại diện đến từ hệ thống siêu thị Big C, Công ty TNHH MM Mega Market, Liên hiệp hợp tác xã TP.HCM - Sài Gòn Co.op. Theo bà Trang, đây là các hệ thống cửa hàng thực phẩm có chi nhánh tại miền Trung và miền Bắc khá mạnh.
"Thị trường miền Nam và TP.HCM hiện nay rất khó để tăng thêm các mặt hàng nông sản trái cây, vì gần như đã bão hòa quanh năm, nhưng thị trường miền Trung và miền Bắc thì có thể sẽ rất cần, do đó đây là một trong những giải pháp có thể tính đến hiện nay cho việc tiêu thụ nông sản"- bà Trang nói.
Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh - giám đốc thu mua của hệ thống Big C - thay mặt các doanh nghiệp thu mua trao đổi tại hội nghị - Ảnh: SƠN LÂM
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tô Kiều Trinh - giám đốc thu mua của hệ thống Big C - cho biết vừa qua Big C cũng đã triển khai thu mua một số nông sản ở Đồng Tháp, và đang tiến tới việc xem xét mua các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn về xuất khẩu như thanh long.
"Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn nhắn gửi đến người dân là chúng ta đang trong tình trạng khó khăn nên cố gắng bớt tư tưởng tiếc nuối. Không nên thấy được mua rồi lại đẩy giá cao lên. Hãy thực tế tính toán rằng mình còn có thể kiếm lại được bao nhiêu, thì việc thu mua trong giai đoạn này sẽ thuận lợi hơn"- ông Trinh nhắn nhủ.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Cảnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết do tình hình dịch cúm vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, thời gian mở cửa khẩu vẫn chưa chắc chắn, do đó giải pháp tạm thời là khuyên bà con nông dân hạn chế xông đèn, điều phối sản lượng thanh long làm sao để không bị dư sản lượng nhưng cũng có thể phục hồi kịp khi thị trường thông suốt trở lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận