Người dân chạy bộ tập thể thao trong các công viên ở TP.HCM - Ảnh: TTO
So với những TP lớn khác trên thế giới, TP.HCM có tỉ lệ đất công viên trên đầu người rất thấp, thậm chí nhiều quận ngoại thành chưa có các công viên lớn.
Quyết tâm giành lại mảng xanh công viên
Theo các đồ án quy hoạch của TP.HCM, diện tích công viên công cộng sẽ lên tới 11.400ha với chỉ tiêu bình quân 7m2/người dân. Tuy nhiên, qua rà soát của Sở Xây dựng TP cho thấy diện tích công viên công cộng hiện chỉ hơn 500ha, tương ứng với 0,55m2/người. Trong khi đó, tại một số quốc gia, thành phố lớn trên thế giới, chỉ tiêu công viên trên đầu người khá cao như: Singapore 30,3m2/người, Washington (Mỹ) 40m2/người, Seoul (Hàn Quốc) 41m2/người...
Công viên đã ít, phân bố không đồng đều, nhưng nhiều nơi còn "xẻ thịt" cho thuê, làm các công trình xây dựng kiên cố. Cuối năm 2017, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP (Sở GTVT TP) đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư giao lại quyền khai thác 1.476m2 ở công viên Gia Định cho Công ty cổ phần Vận tải hàng không miền Nam làm bãi đậu xe buýt. Từ đó, một phần đất công viên này được cắt ra cho xe buýt của doanh nghiệp trên ra vào bãi đậu.
Đầu năm 2020, Sở Xây dựng đã xin ý kiến UBND TP về việc đề nghị Sở GTVT TP yêu cầu đơn vị trực thuộc chấm dứt hợp đồng với Công ty cổ phần Vận tải hàng không miền Nam, thu hồi phần đất này, tạo điều kiện cho người dân tới vui chơi. Lý do, khu C công viên Gia Định là nơi yên tĩnh với các rừng cây hiện hữu nên hạn chế tổ chức sân bãi tập trung lớn. Đi dọc khu đất làm bãi đậu xe, đến nay doanh nghiệp đã tháo dỡ, di dời hạ tầng, trả lại nguyên trạng phần đất công viên.
Còn ở công viên 23-9, nhiều năm qua các công trình xây dựng "mọc lên" rất nhiều, khiến mảng xanh thu hẹp, không gian sinh hoạt chung của người dân bị mất dần. Chủ tịch UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở ngành liên quan nghiêm túc đẩy nhanh tiến độ di dời, khẩn trương hoàn tất các thủ tục để triển khai thi công chỉnh trang công viên này một cách nhanh nhất. Vào tháng 6-2019, đơn vị thi công bắt đầu tháo dỡ các công trình thương mại tại công viên này. Các hạng mục đã và đang được đập bỏ, thu gom phần sắt thép, riêng phần xà bần bêtông được thu dọn và chở đi bỏ.
Đối với khu vực sân khấu Sen Hồng, UBND TP yêu cầu Sở Xây dựng khẩn trương chủ trì làm việc với Sở VH-TT, Sở TN&MT thống nhất phương án di dời, đề xuất cụ thể các phương án bố trí địa điểm thay thế. Hiện nay mặt bằng khu vực này đã được bàn giao cho Sở Xây dựng quản lý trong thời gian đợi thi công cải tạo công viên này.
Khu vực bến xe buýt, lãnh đạo TP giao Sở GTVT khẩn trương phối hợp cùng Sở TN&MT và các sở ngành liên quan rà soát, đề xuất địa điểm phù hợp để di dời tạm bến trong thời gian thi công dự án. Sau khi xây dựng xong, dự kiến bến xe buýt sẽ được bố trí lại tại công viên 23-9 theo quy hoạch và xây dựng được phê duyệt.
Theo kế hoạch, trong năm 2020, công viên 23-9 được tiến hành xây dựng thành công trình hiện đại nhất TP.HCM với điểm nhấn kiến trúc và không gian công cộng cho người dân, khách du lịch đến vui chơi cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên tính tới thời điểm hiện tại, việc thi công vẫn giậm chân tại chỗ.
Theo ghi nhận, bến xe buýt tại khu vực cuối khu B của công viên vẫn đang hoạt động chưa được di dời vì công trình cải tạo công viên chưa khởi công. Tòa nhà Trung tâm Phát triển quỹ đất vẫn được duy trì hoạt động, phía bên ngoài bị vẽ bậy nham nhở.
Khu vực chợ ngầm dưới đất sẽ được bàn giao khi việc cải tạo công viên 23-9 bắt đầu khởi công - Ảnh: LÊ PHAN
Xây dựng công viên hiện đại trong tương lai
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hòa Bình - giám đốc Sở Xây dựng - cho hay hiện công viên 23-9 đang được di dời theo đúng chỉ đạo của UBND TP.HCM. Riêng đối với tòa nhà Trung tâm Phát triển quỹ đất sẽ được bàn giao sau khi hoàn thành cải tạo tòa nhà số 8Bis Phạm Ngọc Thạch (trụ sở mới của trung tâm).
Về tiến độ cải tạo công viên sau khi nhận được mặt bằng, Sở Xây dựng cho biết đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP tận dụng tối đa mặt bằng các công trình hiện hữu được giao để gắn đèn chiếu sáng, hoa kiểng tạo mỹ quan. Đặc biệt, không xây dựng các công trình kiên cố mới.
Trong tờ trình gửi UBND TP phê duyệt chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng giai đoạn 2020-2030, Sở Xây dựng cho hay qua khảo sát cho thấy hiện các công viên tại TP.HCM phân bố không đồng đều. Đa số công viên lớn lại tập trung ở các quận nội thành, trong khi các quận huyện ngoại thành lại rất ít dù quỹ đất quy hoạch làm công viên rất lớn.
Điển hình như các quận huyện: 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh... chưa có một công viên công cộng có diện tích lớn nào cả. Sở này cho hay với tốc độ đầu tư chỉ 1,54ha/năm như hiện nay thì TP sẽ mất rất nhiều thời gian để phủ xanh hàng ngàn hecta đất công viên còn lại.
Trong đề án, Sở Xây dựng cho hay TP.HCM cần có nhiều giải pháp đột phá với mục tiêu trong vòng 5 năm tới sẽ phấn đấu tăng 150ha đất công viên công cộng, nâng tỉ lệ đất công viên trên đầu người lên 0,65m2/người. Đến giai đoạn 2026-2030, đất công viên công cộng đạt bình quân đầu người 1m2/người (tăng 450ha đất công viên so với năm 2020 và dân số ước tính 11 triệu người).
Theo Sở Xây dựng, để đạt mục tiêu trên TP.HCM cần rà soát lại các khu đất được quy hoạch công viên, tùy theo tính chất của từng khu đất sẽ đề xuất việc lập dự án xây dựng hoặc kêu gọi đầu tư. TP.HCM sẽ xây dựng chính sách khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư xây dựng đối với những công viên công cộng có quy mô lớn trên 10ha.
Khu vực sân khấu Sen Hồng đang được bàn giao cho Sở Xây dựng tiếp nhận trong lúc đợi khởi công cải tạo công viên 23-9 - Ảnh: LÊ PHAN
Đối với những công viên này thì có thể quy hoạch việc xây dựng xen cài các loại hình khai thác phù hợp với công viên như: khu vui chơi có thu phí; khu vực triển lãm, trưng bày hoa cảnh, cảnh quan chuyên đề; khu dịch vụ thể dục thể thao trong nhà hoặc ngoài trời... Ngoài ra, đối với những công viên có quy mô lớn trên 100ha có thể kêu gọi đầu tư thành một khu vui chơi giải trí có thu phí nhưng có một phần diện tích (khoảng 10-15%) là công viên công cộng.
Còn với các nhà xưởng, nhà máy hiện hữu trong các khu dân cư thì thực hiện việc di dời ra khu vực phù hợp. Đồng thời điều chỉnh chức năng các khu đất này thành đất công viên, vườn hoa để xây dựng, phục vụ cho cộng đồng dân cư sinh sống. Đối với các trường hợp dự án nhà ở chưa có công viên hoặc xây dựng hoàn chỉnh, Sở Xây dựng sẽ yêu cầu chủ đầu tư phải có kế hoạch để hoàn chỉnh toàn bộ công viên cây xanh đúng theo quy định.
Sở Xây dựng cũng cho biết ngoài huy động nhiều chuyên gia trong nước để xây dựng lộ trình phát triển công viên hiện đại, cần phải có kinh nghiệm hợp tác từ nước ngoài. Theo đó, sở này đã đề xuất UBND TP hợp tác cùng Ủy ban quản lý nhà nước lĩnh vực công viên cây xanh (National Park) tại Singapore trong việc đào tạo cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực công viên cây xanh..., bởi Singapore đã thành công với nhiều công viên hiện đại gắn liền với du lịch.
Kinh tế TP.HCM phát triển nhưng cây xanh lạc hậu
Trong hội thảo về định hướng quy hoạch và phát triển cây xanh, công viên và chiếu sáng các quận nội thành TP.HCM giai đoạn 2019-2025 trước đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra dẫn chứng năm 1975 dân số của TP là 3,5 triệu dân, đến thời điểm hiện tại con số này là 10 triệu, chiếm 10% dân số của cả nước.
Những số liệu trên cho thấy nền kinh tế của TP rất phát triển, nhưng có một điểm đáng buồn là cây xanh còn lạc hậu. "Lạc hậu ở chỗ chúng ta đặt quy hoạch 6-7m2 cây xanh/người nhưng hiện nay chỉ mới đạt được 0,5m2 cây xanh/người. Tổng diện tích cây xanh của TP chỉ đạt 8% so với mục tiêu quy hoạch đặt ra" - ông Nhân nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận