
Quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn TP.HCM sẽ được nâng cấp, mở rộng lên 10 làn xe - Ảnh: CHÂU TUẤN
Sở Giao thông công chánh TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM về ban hành kế hoạch triển khai thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) theo phương thức đối tác công tư PPP - hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Dự án này đã được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 2-2025. Tuyến đường dài 5,9km được mở rộng lên 60m, đáp ứng 10 làn xe, có làn đi trên cao với tổng mức đầu hơn 20.900 tỉ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách TP.HCM sẽ thực hiện dự án thành phần 1 - bồi thường, hỗ trợ và tái định cư qua địa bàn TP Thủ Đức với khoảng 14.619 tỉ đồng.
Phần vốn của nhà đầu tư sẽ thực hiện dự án thành phần 2 - nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 với mức vốn 6.281 tỉ đồng.
Theo Sở Giao thông công chánh TP.HCM, việc ban hành kế hoạch triển khai nhằm đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, gắn trách nhiệm cụ thể cho các sở ban ngành, địa phương và các đơn vị liên quan trong tổ chức đầu tư dự án.
Đồng thời, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách tham gia thực hiện dự án theo quy định; kêu gọi đầu tư, huy động, thu hút nguồn lực xã hội tham gia thực hiện, đảm bảo phát huy hiệu quả, công khai minh bạch.
Theo kế hoạch đề xuất, đối với dự án thành phần 1 bồi thường, hỗ trợ và tái định cư sẽ bắt đầu bàn giao ranh giải phóng mặt bằng trong tháng 5-2025, TP sẽ phê duyệt dự án thành phần 1 trong tháng 6-2025. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng cho dự án sẽ hoàn thành vào tháng 2-2026.
Đối với dự án thành phần 2 - nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) đầu tư theo hợp đồng BOT, sẽ hoàn thành khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư vào tháng 7-2025. Sau khi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng, công trình sẽ khởi công trong quý 2-2026 và hoàn thành vào năm 2028.
BOT quốc lộ 13: Chỉ thu phí làn trên cao - làn đi nhanh
Dự án mở rộng quốc lộ 13 là một trong bốn dự án BOT cửa ngõ TP.HCM đang được triển khai theo cơ chế của nghị quyết 98 với tổng mức đầu tư gần 60.000 tỉ đồng. Điểm đặc biệt của các dự án BOT cửa ngõ là phương án thu phí chỉ áp dụng cho phần đường chính - làn trên cao (làn đường đi nhanh).
Trong khi đó, người dân không có nhu cầu di chuyển tốc độ cao vẫn có thể sử dụng đường song hành mà không phải trả phí.
Về phương thức thu phí, các dự án sẽ áp dụng công nghệ thu phí không dừng hiện đại, không có trạm, không có barie.
Cách tính phí sẽ linh hoạt theo đặc thù từng tuyến: những tuyến có chiều dài lớn như quốc lộ 1 sẽ áp dụng hình thức thu phí theo km, còn các tuyến ngắn hơn như quốc lộ 13 sẽ thu theo lượt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận